Khi những xung đột lợi ích cổ đông lớn tại Petroland nhiều năm qua vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết thì trong những ngày cuối cùng của tháng 12, hàng chục triệu cổ phiếu PTL lại được trao tay.
Petroland tiếp tục có những thay đổi liên quan đến cơ cấu cổ đông lớn.
Cụ thể, giao dịch cổ phiếu
PTL của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) tập trung chính vào 2 phiên 23 và 25/12 với 26 triệu cổ phiếu được thỏa thuận với tổng giá trị gần 140 tỷ đồng.
Trong đó, ngày 23/12, bà Đỗ Thị Hiền - một nhà đầu tư cá nhân, đã chi gần 85 tỷ đồng mua vào hơn 16,26 triệu cổ phiếu
PTL với giá thỏa thuận bình quân 5.210 đồng/cp. Số cổ phiếu này chiếm 16,26% vốn điều lệ của Petroland, đưa bà Hiền trở thành cổ đông lớn. Trước đó, bà Hiền không sở hữu cổ phiếu nào.
Cũng trong ngày 23/12, một cổ đông lớn - bà Trần Thị Ngọc Cư, đã bán bớt hơn 14,13 triệu cổ phiếu
PTL trong tổng số 19,63 triệu cổ phiếu nắm giữ. Sau giao dịch, bà Cư vẫn là cổ đông lớn nắm 5,5 triệu cổ phiếu
PTL (tỷ lệ 5,5%).
Ngoài ra, ông Đoàn Văn Đức - một nhà đầu tư cá nhân khác, cũng bán bớt hơn 2,13 triệu cổ phiếu
PTL trong tổng số hơn 17,46 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Sau giao dịch, ông Đức giảm lượng sở hữu xuống còn hơn 15,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,33%).
Số cổ phiếu bà Cư và ông Đức bán ra đúng bằng số cổ phiếu bà Hiền mua vào.
Tại ngày 25/12, ông Nguyễn Văn Vinh công bố mua vào hơn 9,83 triệu cổ phiếu
PTL, tương ứng 9,83% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Petroland và trở thành cổ đông lớn.
Trước giao dịch này, ông Vinh không sở hữu cổ phiếu
PTL nào. Đây cũng là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 5.310 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 52,2 tỷ đồng. Hiện, chưa có thông tin về bên chuyển nhượng cổ phần cho ông Vinh.
Hoạt động mua bán cổ phiếu
PTL diễn ra trong bối cảnh mã cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, mã: OIL) đã thoái toàn bộ phần vốn 9%, tương đương 9 triệu cổ phần tại Petroland và không còn là cổ đông của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, những năm gần đây, Petroland liên tục xảy ra những xung đột lợi ích cổ đông lớn giữa Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC, mã: PVX) và một nhóm cổ đông cá nhân - đại diện là ông Đinh Việt Thanh (lúc đó là thành viên HĐQT).
Đỉnh điểm tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 đã xảy ra tranh cãi rất gay gắt giữa 2 nhóm cổ đông này. Nhóm ông Thanh cho rằng PVC đã tự ý thay Petroland đưa ra những quyết định quan trọng dẫn đến công ty đứng trên bờ vực phá sản.
Không tìm được tiếng nói chung, đến cuối năm 2019, nhóm liên quan ông Thanh chính thức rời khỏi Petroland. Công ty cũng "thay máu" hàng loạt lãnh đạo cấp cao, trong đó ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Bùi Minh Chính từ 7/10/2019 do nhà chức trách đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét.
Cổ phiếu
PTL cũng ghi nhận các giao dịch thỏa thuận đột biến hơn 37 triệu đơn vị, tương đương 37% vốn doanh nghiệp. Bên mua vào gồm nhà đầu tư cá nhân Trần Thị Ngọc Cư mua hơn 19,6 triệu cổ phiếu để nắm giữ 19,6% vốn và cá nhân Đoàn Văn Đức mua vào gần 17,5 triệu cổ phiếu để nắm 17,5% vốn Petroland.
Bên bán ra là thành viên HĐQT Đinh Việt Thanh bán toàn bộ gần 15,1 triệu cổ phiếu, thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hạnh bán toàn bộ 587.000 cổ phiếu và cá nhân Nguyễn Thị Trường An bán hơn 5,8 triệu cổ phiếu.
Mặc dù vậy, đến ĐHĐCĐ thường niên 2020, xung đột vẫn chưa có hồi kết. Các nội dung không được thông qua gồm báo cáo của HĐQT về thực hiện nhiệm vụ 2019 và kế hoạch năm 2020, phương án bổ sung ngành nghề, đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT…. với tỷ lệ tán thành 47%, không tán thành 42,6% và không ý kiến 10,35%.