Trong báo cáo đánh giá tác động của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu lên một số thực trạng trong việc triển khai đến các doanh nghiệp.
Đơn cử, với chính sách cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, một số đơn vị có được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thực sự đồng đều tại các địa phương và các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho doanh nghiệp như Vietcombank nhưng số khác vẫn chưa thực hiện vì còn đang chờ chỉ đạo chính từ hội sở như BIDV, VietinBank.
Mặt khác, chính sách này chỉ đang áp dụng đối với khoản vay tiền đồng mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD. Trong khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất nhiều, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ.
Một số doanh nghiệp khi trước đó đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng nên đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày), khi đó sẽ không được áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Với chính sách miễn giảm phí thanh toán, tổ chức tín dụng đã giảm phí thanh toán đối với các khoản thanh toán nước ngoài. Các khoản thanh toán, chuyển tiền trong nước chưa được giảm cho doanh nghiệp. Mức phí vẫn là 0,033-0,044%/lần chuyển ngoài hệ thống ngân hàng. Doanh nghiệp rất mong các tổ chức tín dụng, ngân hàng hỗ trợ giảm phí chuyển tiền trong nước theo tinh thần tại Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Các doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2 cũng không được áp dụng các chính sách về miễn giảm thanh toán.
Với chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ ngày 17/3, một số tổ chức tín dụng, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn như VietinBank, Agribank (lãi suất 5,5% - kỳ hạn 5 tháng), BIDV (lãi suất 5,5% - kỳ hạn 6 tháng), Techcombank.
Với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngoài nguồn vốn bằng đồng Việt Nam, doanh nghiệp cũng rất cần nguồn vốn bằng USD. Vì vậy, VASEP kiến nghị NHNN sớm bổ sung thêm chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2 không được áp dụng các chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam.
Về gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho khách hàng vay mới từ tháng 3/2020 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 - 1,5%/năm, một số TCTD đã sớm triển khai gói hỗ trợ này cho doanh nghiệp được vay với lãi suất ưu đãi như Vietcombank (vay VND với lãi xuất 3,6%/năm – kỳ hạn 6 tháng; vay bằng USD với lãi suất 2,7%/năm, kỳ hạn: 4 tháng), Agribank (lãi suất vay 4,5%/năm, kỳ hạn 5 tháng). Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn đang để lãi suất cho vay cao như BIDV 3,4%/năm, kỳ hạn 3,5 tháng, VietinBank 3,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng.
Doanh nghiệp có nợ nhóm 2 không được áp dụng các chính sách vay mới theo gói hỗ trợ tín dụng này. Gói hỗ trợ tín dụng này chỉ áp dụng đối với tiền đồng, không áp dụng cho tiền USD nên giảm sự tiếp cận của doanh nghiệp.
Một số ngân hàng vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung tài sản đảm bảo, trong khi doanh nghiệp khó đáp ứng được điều kiện trong giai đoạn này để có thể vay được.