Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020.
Sau khi EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào 18/6, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã trao công hàm thông báo việc Việt Nam phê chuẩn hai hiệp định tới Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Được thông qua cùng thời gian với EVFTA nhưng EVIPA còn phải chờ Quốc hội từng nước thành viên trong khu vực EU phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài trong thời gian ít nhất là 3 năm.
Ngày 25/6, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy tắc xuất xứ hàng hóa khi thực thi EVFTA và cũng có hiệu lực từ 1/8. Thông tư có 5 chương, 42 điều và 8 phụ lục áp dụng cho đối tượng là cơ quan quản lý, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thương nhân.
Theo đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 và hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của hiệp định. Việc cấp mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi mà được Bộ Công Thương ủy quyền.
So với những hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Ví dụ, một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên hay cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… là những điểm mới trong hiệp định.
Trước đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan ngay khi EVFTA đi vào thực thi, bộ đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ trong Kế hoạch hành động, gồm 4 nhóm hành động lớn. Trước tiên, tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường các nước đối tác tại EU. Tiếp nữa là xây dựng pháp luật và thể chế.
Đồng thời, việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực cũng được Bộ Công Thương chú trọng. Những chủ trương và chính sác đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở của doanh nghiệp cũng được lưu ý.