Sáng 18/7, Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE:
OGC) họp cổ đông thường niên 2020 lần 2 với sự tham gia của cổ đông và người ủy quyền đại diện 62,8% cổ phần có quyền biểu quyết.
Cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.008 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước nhưng lãi sau thuế tăng 1,5 lần đạt 206 tỷ đồng nhờ giảm chi phí 30%. Riêng công ty mẹ, tổng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 55 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác thu hồi công nợ, báo cáo của ban điều hành đề cập hầu hết các khoản công nợ phải thu hiện nay là các khoản phát sinh trước tháng 10/2014, thời điểm xảy ra biến cố liên quan đến ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT của Ocean Group do các sai phạm xảy ra ở Ocean Bank.
HĐQT đã phê duyệt chủ trương bán nợ, đàm phán với các đối tác với giá trị thu hồi khoảng 30% giá trị khoản nợ nhưng cũng không thu hồi được và không có đối tác mua nợ. Công ty đã khởi kiện một số đối tác, trong đó có khoản nợ công ty thắng kiện và thực hiện thi hành án nhưng số tiền thu hồi được không đáng kể, việc thi hành án kéo dài nhưng không hiệu quả.
Do đó, ban lãnh đạo đề xuất cổ đông chấp thuận phương án giao và ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định việc xóa nợ, bán các khoản nợ xấu đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, năm 2020 và các năm tiếp theo gồm khoản phải thu ngắn hạn đã trích lập dự phòng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng 525 tỷ đồng. Tổng gia trị xóa nợ là 2.683 tỷ đồng.
Ông Mai Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT cho biết tập đoàn có nhiều nợ tồn đọng như khoản phải thu ông Hà Văn Thắm, ông Hoàng Văn Tuyến - những người đang chấp hành bản án về các sai phạm liên quan đến chế độ kế toán tại Ocean Bank. Do đó, tập đoàn phải chịu liên đới trách nhiệm tài chính theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và phán quyết của Tòa án.
Theo quy định tại Thông tư 48 của Bộ Tài chính, sau khi xử lý đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, công ty vẫn phải theo dõi trong hệ thống quản trị và trình bày trong thuyết minh BCTC trong thời hạn tối thiểu là 10 năm từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.
Nếu thu hồi được nợ, sau khi trừ các chi phí có liên quan, sẽ được hạch toán vào thu nhập của công ty. Vì vậy, ông Đạt cho biết xóa nợ về bản chất chỉ là xử lý số liệu trên báo cáo tài chính, công ty vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ.
Năm 2020, công ty sẽ tập trung triển khai thi công 2 dự án tại công ty mẹ là Lega Fashion House tại TP HCM và Trung tâm thương mại văn phòng khách sạn căn hộ cho thuê tại 25 Trần Khánh Dư, Hà Nội. Tổng mức đầu tư 2 dự án tại công ty mẹ là 1.000 tỷ đồng cho mỗi dự án.
Ngoài ra, Ocean Group cũng tập trung đầu tư 2 dự án tại công ty con là dự án khách sạn tại số 10 Trấn Vũ, Hà Nội và dự án Saigon Airport, TP HCM.
Công ty cũng sẽ đánh giá lại hiệu quả đầu tư, thực hiện thoái vốn ở các dự án hiệu quả không cao, tiềm ẩn rủi ro như dự án Licogi 19, dự án Công viên hồ điều hòa… để tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm. Trong hoạt động đầu tư tài chính, tập đoàn có thể xem xét đầu tư mới, kinh doanh về lĩnh vực mua/bán thêm cổ phiếu ở các công ty khác nếu có cơ hội và hiệu quả.
Đề cập tới việc kinh doanh của Kem Tràng Tiền, ông Hải cho biết công ty đã có một số thay đổi về nhãn hiệu để tránh bị làm giả. Nhãn hiệu được khắc chìm trên que, bao bì giấy và màng bọc thực phẩm. Những thay đối này rất khó để làm giả và là dấu hiệu để khách hàng có thể phân biệt được Kem Tràng Tiền với các kem khác.
Thương hiệu Kem Tràng Tiền đã được bảo hộ cả cụm “Kem Tràng Tiền”. Do đó, các tên khác có cụm từ tương tự nhưng có xen kẽ số, chữ vào trước, giữa, sau cụm từ này đều là không đúng Kem Tràng Tiền chính hãng.
Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.