Sau thời gian dài đi ngang, cổ phiếu của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HNX:
DGC) bất ngờ tăng tăng mạnh từ vùng giá 20.000 đồng/cp lên 40.000 đồng/cp, gấp đôi trong vòng 3 tháng qua. Cổ phiếu sẽ hủy niêm yết trên HNX từ hôm nay để chuyển sang giao dịch tại HoSE từ ngày 28/7.
Nguồn: VNDirect
Lợi nhuận hồi phục mạnh nhờ động lực xuất khẩu
Hóa chất Đức Giang tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập từ 1963 với sản phẩm bột giặt Đức Giang. Tập đoàn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất hóa chất kỹ thuật, hóa chất công nghiệp và phân bón các loại. Doanh nghiệp hiện đang là nhà sản xuất phốt pho vàng, axit phosphoric thực phẩm, công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Công ty hoạt động theo mô hình holdings với 5 công ty con sở hữu 100% vốn và 1 công ty con sở hữu 51% vốn. Trong đó, 3 đơn vị mang lại doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn gồm Hóa chất Đức Giang Lào Cai, Hóa chất Đức Giang Đình Vũ và Phốt pho Apatit Việt Nam; các công ty con còn lại mới thành lập năm 2020 nên chưa phát sinh nguồn thu. Công ty mẹ chuyên sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa và các công ty con sản xuất phốt pho, axit photphoric trích ly (WPA), phân bón chứa lân các loại.
Xét về cơ cấu sản phẩm, phốt pho vàng là mặt hàng đem lại doanh thu lớn nhất cho
DGC, tỷ trọng trên 40% trong 2 năm 2018-2019. Tiếp theo là axit trích ly và phân phức hợp MAP chiếm tỷ trọng trên 10%.
Do vậy, công ty con Hóa chất Đức Giang Lào Cai (DGL) chuyên sản xuất hóa chất cơ bản phốt pho vàng, axit photphoric thực phẩm, WPA, phân bón (supe lân đơn, supe lân kép, phân phức hợp MAP… ), phụ gia thức ăn gia xúc (DCP) chính là đơn vị đem lại doanh thu và lợi nhuận của yếu cho tập đoàn.
Bên cạnh đó, Phốt pho Apatit Việt Nam (
DGC nắm 51% vốn) cũng đáng chú ý khi năm 2019 chỉ đem về lợi nhuận 9,9 tỷ đồng nhưng riêng quý I năm nay đã đạt 20,3 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Về hoạt động kinh doanh, năm 2018 nhờ hợp nhất DGL mà tập đoàn ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến với lợi nhuận 872 tỷ đồng, gấp gần 7 lần năm 2017. Tuy nhiên, bước sang năm 2019 lợi nhuận giảm 34% do tình hình xuất khẩu không khả quan, đặc biệt là nửa cuối năm khi nhu cầu phốt pho vàng, WPA trên thế giới giảm về số lượng và giá.
Đến nửa đầu năm nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực nhưng sản lượng sản xuất và doanh thu trong nửa đầu năm tăng. Đồng thời, việc vận hành và sản xuất ổn định nhà máy phốt pho thuộc Phốt pho Apatit Việt Nam đã đem về doanh thu 633 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá điện giảm 10% trong quý II, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm khiến giá vốn tăng thấp hơn mức tăng doanh thu.
Nhờ vậy, công ty ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm với doanh thu 3.096 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 444 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 59% so với cùng kỳ năm trước.
Xét cơ cấu doanh thu theo địa lý, khu vực nước ngoài đóng góp 2.350 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm, chiếm tỷ trọng 76,7% và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh thu nội địa tiếp tục giảm 43% xuống 747 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Theo Chứng khoán MBS, kết quả kinh doanh của
DGC hồi phục và tăng trưởng nhờ thị trường tiêu thụ thế giới ổn định và nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc do dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất axit photphoric tại Hồ Bắc, nơi tập trung 20% sản lượng sản xuất phốt pho của Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu của tập đoàn có thể kể đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với sản phẩm phốt pho vàng sử dụng trong công nghiệp điện tử, thực phẩm; thị trường Ấn Độ là các sản phẩm axit photphoric cho công nghiệp phân bón.
Năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận 700 tỷ đồng nhưng theo tiết lộ của ban lãnh đạo thì có thể đạt 1.000 tỷ đồng.
Tham vọng đầu tư lớn với dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn 12.000 tỷ đồng
Tính đến 30/6, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 5.497 tỷ đồng, tăng thêm 775 tỷ đồng so với đầu năm; tập trung chủ yếu ở tài sản cố định 2.173 tỷ đồng và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.466 tỷ đồng (gấp 2,3 lần đầu năm).
MBS cho rằng tài sản cố định chiếm đến gần 90% tài sản dài hạn thể hiện khả năng sản xuất của công ty đang ở mức cao, hầu hết tài sản dài hạn đều ở trạng thái có thể sản xuất. Vào tháng 6, công ty hoàn thành và đưa vào hoạt động dây chuyền NPK theo phương pháp hóa học.
Mặt khác, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh trong các năm gần đây từ 245,6 tỷ đồng năm 2018 lên 1.466 tỷ đồng tính đến quý II năm nay. Có thể công ty đang chuẩn bị nguồn tiền cho kế hoạch đầu tư tham vọng vào Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn với tổng vốn trên 12.000 tỷ đồng chia làm 3 giai đoạn, chuyên sản xuất hóa chất, xút vẩy 98-99%, nhựa PVC và Soda.
Ở giai đoạn đầu tiên 2020-2022, nhu cầu vốn đầu tư là khoảng 2.000 – 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 1.000 tỷ đồng và vốn vay 1.400 tỷ đồng. Sản phẩm chính ở giai đoạn đầu là các loại hóa chất như natri hydorxit, axit chlohydric… khi đi vào vận hành thương mại, doanh thu và lợi nhuận hằng năm dự kiến đạt 1.533 tỷ và 192 tỷ đồng.
Công ty không vay nợ dài hạn và có khoản vay ngắn hạn 1.142 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản chỉ ở mức 21%.
Về cơ cấu cổ đông, theo số liệu công khai, gia đình Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền sở hữu khoảng 40% vốn. Ngoài ra, cổ đông lớn khác là Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) còn sở hữu 11,45 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn và có kế hoạch thoái vốn trong năm nay.
Đầu năm, Vinachem có đưa cổ phiếu
DGC ra bán đấu giá với giá khởi điểm 49.100 đồng/cp, gấp đôi giá cổ phiếu thời điểm đó. Tuy nhiên, phiên đấu giá chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký mua 200 cổ phần.