Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: "Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch".
Không có tiền hoàn trả khách huỷ tour
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khi dịch Covid-19 quay lại, đến nay đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch.
Đơn cử, một số trung tâm như Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy tour nội địa; TP. Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị huỷ.
Riêng trong tháng 8, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, homestay xác nhận tỷ lệ khách huỷ phòng đến hơn 90%, còn các đơn vị lữ hành cho biết hơn 80% khách huỷ tour và yêu cầu hoàn lại tiền 100% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp.
Các doanh nghiệp cho biết, về việc hoãn, hủy tour, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn trả tiền đặt cọc dịch vụ cho khách hàng. Bởi khi khách mua mua tour, doanh nghiệp cũng phải ứng một phần tiền với các bên cung ứng dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn... Vì vậy, khi khách đòi hoàn 100% tiền, doanh nghiệp không có khả năng để hoàn tiền do các doanh nghiệp dịch vụ du lịch đã cạn kiệt dần “nội lực” từ đợt dịch lần trước.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết tính đến ngày 5/8, đã có 22.302 lượt khách hủy tour tại doanh nghiệp, với doanh thu là 102 tỷ đồng, dự báo doanh thu và lượt khách tiếp tục bị hủy sẽ tăng thêm.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho các chuyến đi của du khách, các đơn vị đã đặt dịch vụ với một số đối tác cung ứng dịch vụ. Vì vậy, một mình doanh nghiệp lữ hành không thể giải quyết được vấn đề này.
"Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp mong muốn có những chính sách, hỗ trợ cụ thể như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch", bà Hoàng nói.
Đã có kịch bản chương trình kích cầu du lịch lần 2
Về việc phục hồi du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng nhất trí cần nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu giai đoạn 2 sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại Hội nghị trực tuyến: “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” trong đợt dịch lần 2, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: "Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch".
Về giải pháp trước mắt, ưu tiên số 1 hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có những hành động, kế hoạch linh hoạt phù hợp. Các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không, doanh nghiệp vận chuyển, lưu trú và các đơn vị cung ứng du lịch cần bắt tay giải quyết tốt các vấn đề đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch.
"Đây là yếu tố căn bản để các bên cùng vượt qua khó khăn, phục hồi trong thời gian tới", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.
Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun Group cho biết các các cơ sở kinh doanh dịch vụ của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền thành phố để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan.
Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines, bà Nguyễn Hồng Nga cho biết khi dịch bệnh Covid-19 quay lại, Vietnam Airlines đã nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé. Vietnam Airlines cho phép tiền cọc được bảo lưu đến hết tháng 6/2021; với vé hoàn lại cũng đưa ra voucher để mua các chương trình mới.
Về giải pháp lâu dài, Tổng cục Du lịch cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế do dịch bệnh.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch an toàn theo hình thức mới, áp dụng công nghệ số, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới, an toàn, phù hợp với tình hình.
Đại diện Sun Group cũng cho rằng mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhưng các doanh nghiệp vẫn nên tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để khi khách quay trở lại sẽ thấy điểm du lịch mới mẻ trong mắt du khách.