Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định và hướng dẫn cụ thể về chứng nhận chủng loại gạo thơm được miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA.
ảnh gạo thơm các loại
Theo đó, có 9 chủng loại gạo thơm bao gồm: Jasmine 85; ST 5; ST 20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào.
Điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận
Có 2 điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận. Thứ nhất, gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).
Thứ hai, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam đối với gạo là 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hạn ngạch 80.000 tấn gạo xuất khẩu vào EU hàng năm không do Việt Nam phân bổ mà EU sẽ trực tiếp phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ.
Trong đó, có 20.000 tấn gạo đã chà xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm, và chỉ cấp cho 23 chủng loại gạo thơm của Việt Nam được vào thị trường EU.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương (XNK), hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU cấp cho Việt Nam sẽ được phân ra một số chủng loại gạo, trong đó có các loại gạo đã xay xát rồi, gạo thơm và một số loại gạo khác.
Đối với mỗi 1 loại gạo sẽ có từng khoảng thời gian phân kỳ, phân giao hạn ngạch cụ thể và EU sẽ phân giao hạn ngạch cho doanh nghiệp của họ, còn doanh nghiệp Việt Nam nếu có đối tác ở EU thì tự trao đổi với đối tác xem họ có được phân giao hạn ngạch nhập khẩu gạo hay không, và doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần là làm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Riêng đối với 30.000 tấn gạo thơm kể từ khi đàm phán với Việt Nam, EU cũng đã có một số nguyên tắc nhất định đó là phải có giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm, tức là ngoài chứng nhận xuất xứ và EU còn yêu cầu một loại giấy gọi là giấy chứng nhận đúng chủng loại (Authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Gạo vì là mặt hàng ‘hơi’ nhạy cảm nên ngoài việc EU sẽ phân kỳ, phân giao, phân bổ cho doanh nghiệp họ còn yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có giấy chứng nhận đúng chủng gạo, và doanh nghiệp của EU sẽ liên lạc với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam làm sao để có hạn ngạch và giấy chứng nhận xuất xứ để xuất sang EU, tất nhiên là phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU”, đại diện Cục XNK cho biết.
Điều kiện để được xác nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP, điều kiện chủng loại gạo thơm được xác nhận phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng. Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Đối với quy định về kiểm tra lưu ruộng lúa thơm, yêu cầu lô ruộng lúa thơm được kiểm tra một lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định kèm theo Nghị định 103.
Phương pháp kiểm tra độ thuần giống của lô ruộng lúa thơm theo quy định được ban hành theo nghị định. Mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi mã hiệu theo quy định tại phục lục ban hành kèm theo Nghị định 103.
Nghị định 103 cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thời hạn cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xin và cấp phép.