• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 4:03:16 CH - Mở cửa
Đơn hàng không thiếu, xuất khẩu vẫn bộn bề âu lo
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 10/12/2021 3:18:51 CH
Nhu cầu từ thị trường thế giới tăng trở lại, đơn hàng không thiếu. Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy xuất khẩu năm nay có thể vượt mốc 300 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết năm nay chỉ tăng trưởng doanh thu chút ít, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí còn thua lỗ vì đối mặt nhiều khó khăn.
 
Tiếp đà phục hồi từ tháng 10, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2021 có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).
 
Về đích nhưng vẫn... buồn
 
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020, thậm chí còn cao hơn năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19 (tăng 0,3% so với năm 2019).

 
Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy xuất khẩu năm nay có thể vượt mốc 300 tỷ USD.
 
Theo các doanh nghiệp dệt may, năm 2021 sẽ rất khác biệt so với năm 2020 vì tất cả các quốc gia, thị trường của chúng ta đã mở cửa trở lại và tốc độ tăng trưởng GDP cả Mỹ và châu Âu là rất khả quan, nhất là ở Mỹ có tốc độ tăng trưởng được dự báo là cao nhất trong 80 năm qua.
 
Đây là tiền đề quan trọng cho thấy cầu của thị trường đã quay trở lại, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu dệt may để có được những đơn hàng lớn. Năm 2021, ngành dệt may sẽ đạt tốc độ tăng trưởng quay trở lại như khi chưa có dịch.
 
Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, lợi nhuận thu về không cao. Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã tăng công suất hoạt động lên 100%. Song, bài toán lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn, do giá nguyên liệu, chi phí sản xuất đội lên cao.
 
Với ngành thủy sản, đơn hàng không thiếu nhưng nỗi lo nhất của doanh nghiệp lại nằm ở nguồn cung nguyên liệu. Chia sẻ với VnBusiness, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho hay, tháng 12 là thời điểm doanh nghiệp "chạy nước rút" để thực hiện mục tiêu đề ra trong năm nay.
 
6 tháng đầu năm, hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp rất hiệu quả, nhưng 6 tháng cuối năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Dự báo quyết toán hết quý IV năm nay, tăng trưởng doanh thu của Thủy sản Thuận Phước chỉ cao hơn một chút, còn hiệu quả lời lãi thì đúng là không thua lỗ cũng quý lắm rồi", ông Lĩnh giãi bày.
 
Chủ tịch Thuận Phước cho hay, chi phí sản xuất tốn kém, "nuốt và ăn mòn lợi nhuận" doanh nghiệp. Đến giờ này, may là doanh nghiệp không phá sản, thua lỗ. Bắt đầu từ quý IV, doanh nghiệp mới khởi động lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo điều kiện bình thường mới, hiện rủi ro xuất hiện F0 vẫn rình rập. Nếu trong phân xưởng xuất hiện F0 đồng nghĩa với việc hoạt động bị gián đoạn, lao động liên quan trong phân xưởng phải đi cách ly. Trong khi đó, nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy hải sản bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch nên nông dân giảm sản lượng thả nuôi.
 
"Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng 30-40%, vận tải gấp 10 lần, "ăn" hết lợi nhuận doanh nghiệp", ông Lĩnh nói.
 
Thủ tục cần thông thoáng, có cơ chế hỗ trợ
 
Theo đó, ông Lĩnh cho biết đến giờ này, Thủy sản Thuận Phước vẫn chưa trả hết nợ các đơn hàng đã ký. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn chưa tính đến việc ký thêm các đơn hàng mới. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, nếu nhận thêm nhiều đơn hàng mới mà không giao hàng kịp, không tính tới chi phí trượt giá thì có lẽ doanh nghiệp lại "ôm" lỗ về.
 
Thời gian qua, Công ty TNHH Long Sinh - chuyên sản xuất thuốc thú y cho thuỷ sản, bột cá đã tận dụng được nhiều đơn hàng mới. Ông Vương Vĩnh Hiệp, Tổng Giám đốc cho biết nhiều khách hàng ở Nhật Bản, Indonesia đã chuyển đơn hàng từ Nam Mỹ sang nhập bột cá của Việt Nam, công ty có thêm khách hàng mới. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, vì hiện nay container rỗng thiếu hụt, khó đặt chuyến dẫn tới rủi ro cao.
 
Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, ông Hiệp đề xuất Chính phủ, cơ quan chức năng đơn giản bớt các thủ tục để doanh nhân Việt Nam có thể đi nước ngoài công tác, đàm phán hợp đồng.
 
"Doanh nhân muốn đi nước ngoài thì vẫn được, nhưng khi về thì thủ tục cách ly, xin nhập cảnh khá khó khăn", ông Hiệp phản ánh.
 
Ông dẫn chứng như ở tỉnh Khánh Hòa, doanh nhân trước khi đi ra nước ngoài phải được Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong phê duyệt rồi trình qua công an, UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, theo quy định chuyến bay chuyên gia chỉ được nhập cảnh ở TP.HCM, vì vậy doanh nhân phải xin cả giấy phép cho phép xuất nhập cảnh của công an TP.HCM...
 
"Tôi mong muốn Khánh Hòa có quy định cho phép doanh nhân nhập cảnh ở sân bay quốc tế Cam Ranh và cách ly ở Nha Trang, thay vì chỉ được nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất, cách ly tại TP.HCM. Bởi như thế sẽ gia tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc phục hồi", ông Hiệp nói.
 
Cùng với đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ về khó khăn chậm thu hồi dòng tiền của doanh nghiệp. Trên thực tế thì chuỗi cung ứng trong 2 năm qua có xu hướng kéo dài thời gian chuyển động. Nếu như trước đây là 60 ngày thì nay là từ 90-120 ngày nên doanh nghiệp gặp khó khăn kép, bản thân không sản xuất được để tạo ra dòng tiền nhưng dòng tiền lại về trễ hơn so với bình thường.
 
Vì vậy, Chủ tịch Vinatex cho rằng những chính sách về hỗ trợ nguồn vốn thực sự rất quan trọng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn như ngành dệt may để phục hồi được sản xuất, phục vụ các đơn hàng và trả lương cho người lao động khi  dòng tiền của khách hàng chưa về kịp.
 
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đang có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là những nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
 
Để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
 
Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.