Theo chỉ tiêu tín dụng NHNN cấp đợt một, SSI Research ước tính hạn mức tăng trưởng 2021 bình quân của các NHTM là 9% - thấp hơn mức 10% cùng đợt 2020.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 22/3 - 26/3, đề cập thị trường mở không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân giảm 5-10 điểm cơ bản, chốt tuần ở mức 0,31%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 17/3, tín dụng đã tăng 1,2% so với cuối năm trước và ước tăng 2% trong quý I, cao hơn con số 1,31% của cùng kỳ năm trước. NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước 6,5-7,5% (ngoại trừ VCB là 10,5%), các NHTM tư nhân 8-12%.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các NHTM trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 9% - thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020.
Thông thường, NHNN sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các NHTM trong năm. Với hạn mức cấp đợt một, SSI Research cho rằng là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12% - thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm 2020 là 14%.
Hiện tại, thanh khoản các NHTM vẫn rất dồi dào và NHNN vẫn nhấn mạnh mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. SSI Research cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I và đầu quý II, có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Tỷ giá USDVND tăng do áp lực từ thị trường quốc tế
Thị trường tâm lý thị trường có xu hướng thận trọng hơn khi đại dịch Covid-19 ở Châu Âu đang lây lan trở lại, Đức đã phải gia hạn lệnh phong tỏa cho đến 18/4, và 1/3 nước Pháp cũng bước vào đợt phong tỏa mới kéo dài 1 tháng… Quá trình triển khai tiêm vắc xin tại Châu Âu cũng khá chậm, chỉ khoảng 7% dân số so với mức 26% dân số của Mỹ.
Cùng với vaccine, gói kích thích tài khóa mới cũng khiến kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, hỗ trợ đồng USD nối dài đà hồi phục. Chỉ số DXY chốt tuần ở mức 92,8 – cao nhất trong hơn 4 tháng qua. Hầu hết các đồng tiền đều giảm giá so với USD trong đó EUR 0,93%; GBP 0,6%; JPY 0,7%; CNY 0,5%...
Lợi tức TPCP Mỹ giảm nhẹ 1-6 điểm cơ bản ở các kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 1,676%/năm nhờ tuyên bố trấn an của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ về vấn đề lạm phát trong phiên điều trần trước Quốc hội. Vàng giảm giá 0,73% xuống mức 1.733 USD/oz, chênh lệch giá vàng trong nước, quốc tế tại Việt Nam thu hẹp về mức 5-6 triệu đồng/lượng.
Tại Việt Nam, chịu áp lực từ xu hướng tăng của USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh tăng 36 đồng/USD lên mức 23.230 đồng/USD, tỷ giá niêm yết của các NHTM tăng thêm 15 đồng/USD, lên 22.965/23.175.
Tỷ giá tự do tăng lên mức 23.970/24.020, tương ứng tăng 70 đồng/USD chiều mua vào và 90 đồng/USD chiều bán ra. Bên cạnh diễn biến tích cực của cán cân thương mại, vốn FDI đăng ký cũng tăng gần 69% trong tháng 3 và 41,4% trong quý I so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI giải ngân tháng 3 đạt 1,6 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, cả quý I đạt 4,1 triệu USD, tăng 6,5%. Hiện cung cầu ngoại tệ trong nước đang khá thuận lợi nên tỷ giá USDVND về dài hạn vẫn ổn định, tuy nhiên có thể dao động trong ngắn hạn theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.