Tasco vừa đặt mục tiêu lỗ thêm 100 tỷ đồng trong năm 2021 bởi ảnh hưởng chủ yếu từ dự án VETC.
Dù lỗ lớn năm 2020 và dự kiến lỗ tiếp năm 2021, cổ phiếu HUT vẫn bứt phá lên 6.500 đồng/cp, cao nhất 3 năm.
Công ty có một số thông tin tích cực gần đây khi các trạm thu phí hoạt động và bàn giao được sổ đổ cho dự án Foresa Villa.
Dự kiến lỗ trăm tỷ, cổ phiếu vẫn tăng mạnh
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 vừa công bố, Tasco (HNX:
HUT) đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 18% lên 900 tỷ đồng, nhờ tăng doanh nguồn thu từ thu phí và bán bất động sản. Tuy nhiên, công ty dự kiến vẫn lỗ tiếp 100 tỷ đồng.
HĐQT lý giải việc lỗ chủ yếu do ảnh hưởng từ dự án thu phí không dừng - VETC (thông qua công ty con VETC) với những khó khăn chung toàn ngành và vướng mắc về chính sách. Ban lãnh đạo cam kết giải quyết khó khăn cho từng dự án và tin tưởng rằng giai đoạn khó khăn sẽ sớm kết thúc.
Cụ thể với dự án VETC, ngoài chi phí vận hành và chi phí khấu hao lớn, công ty cũng bắt đầu hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ do dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư. Do doanh thu phụ thuộc vào tiến độ ký kết hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư, dự án này dự kiến tiếp tục lỗ lớn giai đoạn 2021-2022.
Với mảng bất động sản, cụ thể là dự án đối ứng của BT Lê Đức Thọ có thể triển khai được sớm nhất theo quy định là năm 2022 do chưa được quyết toán. Công ty cũng đẩy nhanh việc giao đất cho dự án 48 Trần Duy Hưng và một phần dự án Foresa Mỹ Đình trong năm 2021, để làm tiền đề cho việc triển khai đầu tư, xây dựng và bán hàng trong năm 2022.
Hoạt động kinh doanh của Tasco đi xuống, dự kiến lỗ trăm tỷ đồng năm 2021.
Hoạt động kinh doanh của Tasco tốt nhất vào năm 2016 với doanh thu xấp xỉ 3.000 tỷ và lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ đây kết quả lại ngày càng đi xuống, khi nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ và lùm xùm quanh các trạm thu phí.
Đỉnh điểm là năm 2020 khi công ty lỗ 235 tỷ đồng do doanh thu giảm và áp lực lớn từ chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp. Sang quý I/2021, công ty tiếp tục lỗ 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi.
Mặc dù hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn và dự kiến còn lỗ lớn, tuy nhiên giá cổ phiếu
HUT trên thị trường lại có biến động ngược. Từ vùng giá khoảng 2.000 đồng/cp năm 2019, đến nay cổ phiếu tăng mạnh lên 6.500 đồng/cp, gấp hơn 3 lần.
Giá cổ phiếu vẫn gấp hơn 3 lần trong năm gần nhất, đang đạt mức cao nhất 3 năm tại 6.500 đồng/cp.
Tín hiệu tích cực từ dự án VETC và bất động sản
Hoạt động chính của Tasco hiện nay là kinh doanh bất động sản, đầu tư và thu phí BOT, dự án VETC, đầu tư năng lượng tái tạo…
Trong đó, Tasco đã rót hơn 600 tỷ đồng vào dự án VETC nhưng vẫn chưa thu được lãi. Trong số 50 trạm thu phí được duyệt của dự án VETC, công ty đã hoàn thành đầu tư tại 25 trạm và cũng chạy vận hành 25 trạm kết nối do các nhà đầu tư khác thực hiện.
Ngoài ra, Tasco còn đang triển khai kết nối 14 trạm ngoài dự án ETC như trạm Xa Lộ Hà Nội, trạm Phước Tân…
Thống kê từ công ty cho thấy số lượng xe đã được dán thẻ gần 1,1 triệu chiếc, đạt gần 26% tổng số xe trên cả nước. Tỷ lệ xe đã sử dụng dịch vụ thu phí ETC đạt 48,81%/tổng xe đã dán thẻ. Doanh thu thu phí qua ETC trung bình đạt 39%/tổng doanh thu các trạm.
Một trạm thu phí ETC tại Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Tasco.
Thông tin tích cực gần đây là Trạm Xa lộ Hà Nội đã bắt đầu được phép thu phí dịch vụ đường bộ và triển khai 8 làn ETC bắt đầu từ ngày 1/4. Công ty VETC triển khai dán thẻ và mở tài khoản giao thông cho tất cả các phương tiện.
Trạm thu phí An Thuận Phát (Đồng Nai) cũng bắt đầu thu phí dịch vụ đường bộ và triển khai 2 làn thu phí hỗn hợp bắt đầu từ ngày 15/5. Đây là trạm giao thông huyết mạch đi từ Quốc lộ 51 vào Mỏ đá Tân Cang và ngược lại.
Đối với mảng bất động sản, cuối tháng 4 đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân khu đô thị sinh thái Foresa Villa. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng với 813 căn biệt thự liền kề.
Việc hoàn thành nghĩa vụ tại Foresa Villa sẽ là tiền đề để công ty triển khai các thủ tục cho các dự án bất động sản đối ứng còn lại trong năm 2021 – 2022, bao gồm Foresa Mỹ Đình (TMĐT 3.500 tỷ) và Tòa nhà 48 Trần Duy Hưng (700 tỷ).
Sau khi Nhà Máy Điện Mặt Trời Thuận Nam 19 đã phát điện thương mại vào tháng 06/2019, Tasco đang lên kế hoạch triển khai thủ tục đầu tư 2 dự án về điện gió và 1 dự án điện mặt trời tại các địa bàn Miền Trung - Tây Nguyên, với tổng công suất dự kiến mỗi nhà máy là 100MW.