FPT là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 10,6%. BIO có tuần thứ 2 liên tiếp đứng đầu mức tăng giá toàn TTCK với mức tăng vẫn là trên 100%.
Thị trường chứng khoán có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày 21/5, VN-Index đứng ở mức 1.283,93 điểm, tương ứng tăng 17,57 điểm (1,4%) so với cuối tuần trước. HNX-Index cũng tăng 3,27 điểm (1,1%) lên 297,99 điểm. Tương tự, UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,78%) lên 81,63 điểm.
Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 1,3% lên 111.826 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,6% xuống gần 3,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 21,8% lên 15.603 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,4% lên 721 triệu cổ phiếu.
Tại top 30 vốn hóa trên thị trường chứng khoán, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn trong tuần giao dịch vừa qua khi ghi nhận 19 mã tăng trong khi có 11 mã giảm. FPT của CTCP FPT (HoSE: FPT) tăng mạnh nhất nhóm này với 10,6%. Theo thông tin mới được công bố, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 4 tháng đầu năm của FPT đạt 10.431 tỷ đồng và 1.920 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 22% so với cùng kỳ. Như vậy, công ty hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận cải thiện từ 17,8% lên 18,4%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.245 tỷ đồng, tăng 19,7%.
Cuối tuần trước, FPT cũng thông báo 2/6 là ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2 năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày thanh toán 16/6.
Hai mã STB của Sacombank (HoSE: STB) và VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) với mức tăng lần lượt 9,3% và 6,9%. Các mã như MCH của Hàng Tiêu Dùng MaSan (UPCoM: MCH), HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG), BID của BIDV (HoSE: BID) và MBB của Ngân hàng Quân đội (HoSE: MBB) đều tăng trên 5%.
Trong khi đó, VJC của Vietjet (HoSE: VJC) giảm mạnh nhất nhóm này với 4,4%. GAS của PV GAS (HoSE: GAS) đứng sau với mức giảm 3,7%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là KMR của MIRAE (HoSE: KMR) với 39,6%. Trong tuần, KMR đã có trọn vẹn 5 phiên tăng trần. Tính xa hơn, KMR đã tăng trần 7 phiên liên tiếp từ mức chỉ 3.850 đồng/cp lên mức 6.130 đồng/cp, tương ứng tăng 59%.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Một cổ phiếu cũng thuộc ngành may mặc khác là ADS của Dệt sợi DAMSAN (HoSE: ADS) cũng tăng 22,7% từ 16.500 đồng/cp lên 20.250 đồng/cp.
Cổ phiếu DCL của Dược phẩm Cửu Long (HoSE: DCL) cũng tăng 21,3%. Dược phẩm Cửu Long mới có Tổng giám đốc mới là bà Vũ Thị Minh Hoài từ 18/5 thay thế bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt.
Trên sàn HNX, cổ phiếu TKC cả Địa ốc Tân Kỷ (HNX: TKC) có mức tăng mạnh nhất với 45,83%. Cổ phiếu THS của Thanh Hoa Sông Đà (HNX: THS) đứng sau với mức tăng 45,76%. Phiên 21/5, THS chỉ tăng nhẹ 0,19% và đã chấm dứt chuỗi tăng trần 20 phiên liên tiếp trước đó. So với ngày 19/4 (8.100 đồng/cp), giá cổ phiếu THS đã lên gấp 6,4 lần.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Một cổ phiếu ngành dược là LDP của Dược Lâm Đồng - Ladophar (HNX: LDP) cũng tăng gần 41% chỉ sau một tuần giao dịch.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu ngành dược BIO của Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (UPCoM: BIO) tiếp tục là mã tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán với 100,7%. Như vậy, BIO đã có 11 phiên tăng trần liên tiếp từ chỉ 20.900 đồng/cp lên thành 92.300 đồng/cp.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là ABS của DV Nông nghiệp Bình Thuận (HoSE: ABS) với mức giảm 16%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này luôn duy trì ở mức thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Trên sàn HNX, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là PRC của Vận tải Portserco (HNX: PRC) với mức giảm 20,9%, đây cũng là cổ phiếu duy nhất trên HNX giảm hơn 20%.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, có 7 mã giảm trên 30% trong tuần qua. SB1 của Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh (UPCoM: SB1) giảm mạnh nhất với 38%, nhưng thanh khoản của cổ phiếu này duy trì ở mức rất thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.