Cổ phiếu AVF mất 30% giá trị trước khi có lệnh bắt tạm giam một số lãnh đạo công ty.
Việt An vẫn chưa công bố báo cáo năm 2020 do chưa liên lạc được với kế toán trường.
Công ty có lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ đồng và vay nợ hơn nghìn tỷ đồng tại nhiều ngân hàng.
Cổ phiếu giảm 30%, không liên lạc được kế toán trưởng
Cơ quan CSĐT mới ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Ngô Văn Thu - Tổng Giám đốc Công ty Việt An (UPCoM:
AVF), ông Lưu Bách Thảo – nguyên Tổng giám đốc
AVF, cùng các đối tượng có liên quan.
Theo kết quả điều tra giai đoạn 2010-2014, công ty Việt An cùng với CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu đã lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank.
Trong quá trình đó, một số đối tượng có liên quan đã giúp sức xuất hóa đơn khống mua bán cá tra, thức ăn thủy sản để làm điều kiện cho những công ty trên vay vốn chiếm đoạt số tiền trên hàng trăm tỷ đồng.
Trước thông tin lãnh đạo và cựu CEO có lệnh bị bắt tạm giam, cổ phiếu
AVF đã giảm sàn trong 3 phiên có giao dịch liên tiếp (cổ phiếu bị hạn chế chỉ giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần), tương đương mất 30% giá trị về 700 đồng/cp. Giá trị vốn hóa thị trường hiện còn 30 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì cổ phiếu
AVF trong diện hạn chế giao dịch khi tổ chức này chậm công bố thông tin quá 45 ngày đối với báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục.
Cho đến nay, Việt An vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 cũng như báo cáo cho cả năm 2020. Hồi đầu năm công ty giải trình do tình hình tài chính gặp khó khăn bởi Covid-19 nên thiếu hụt nhân sự, cụ thể là công ty không liên lạc được với kế toán trưởng nên không hoàn thành báo cáo quý IV/2020 như quy định. Ban điều hành hứa tìm giải pháp để công bố báo cáo sớm nhất, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin.
Lỗ lũy kế 2.400 tỷ đồng, vay nghìn tỷ qua ngân hàng
Việt An tiền thân là Công ty TNHH An Giang – Basa được thành lập năm 2004 với ngành nghề chính là nuôi trồng và sản xuất thức ăn thủy sản. Năm 2010, công ty đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE và đến năm 2015 bị hủy niêm yết để chuyển giao dịch về hệ thống UPCoM.
Năm 2015 công ty cũng thông báo chuyển sang hoạt động gia công cá tra phi-lê và tiếp tục duy trì hoạt động này đến nay. Theo đó, đơn vị kiểm toán cho rằng khả năng tạo ra dòng tiền và thanh toán công nợ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Công ty kiểm toán KPF liên tục từ chối đưa ra ý kiến đối với các báo cáo kiểm toán và soát xét của Việt An giai đoạn 2015-2017. Đỉnh điểm là từ năm 2018 đến nay, các kiểm toán viên còn đưa ra kết luận trái ngược với HĐQT và Ban giám đốc, khi cho rằng báo cáo được lập không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu. Ngoài ra kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty khi lỗ lũy kế vượt vốn góp và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Hiện Việt An mới công khai báo cáo tài chính mới nhất tại quý III/2020. Theo đó công ty bị lỗ lũy kế 2.408 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.960 tỷ đồng. Công ty cũng đối mặt với khoản vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 1.006 tỷ đồng, đã duy trì nhiều năm qua.
Theo báo cáo soát xét tại tháng 6/2020, công ty có vay nợ Vietcombank chi nhánh An Giang số tiền 448 tỷ đồng, được thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
Các nhà bằng cũng có cho vay lớn là Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cho vay gần 231 tỷ đồng, Agribank cho vay gần 151 tỷ đồng, BIDV cho vay gần 71 tỷ đồng…
Công ty vay nợ hơn 1.000 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2020.
Tổng tài sản công ty đạt gần 54 tỷ đồng tại cuối quý III/2020. Đáng chú ý là các khoản phải thu lên đến 310 tỷ đồng nhưng được trích lập dự phòng là 313 tỷ đồng, cũng duy trì nhiều năm. Trong đó khoản phải thu gần như đến từ nợ xấu của công ty AFASCO, công ty Xuất nhập khẩu Bình Minh, ông Lưu Bách Thảo và 2 cá nhân họ “Lưu” khác.
Các khoản phải thu hơn 309 tỷ đồng từ các bên duy trì nhiều năm qua. Nguồn: BCTC soát xét bán niên
2020.