Chủ tịch Quốc hội đánh giá rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới là do các chính sánh siêu nới lỏng của Mỹ và các nước châu Âu.
Giá dầu thô tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu, nông sản cũng tăng, chứng khoán bùng nổ toàn thế giới kể cả Việt Nam.
VTV dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới là do các chính sánh siêu nới lỏng của Mỹ và các nước châu Âu. Các nước này đã sử dụng những tài khóa và tiền tệ nhằm ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế theo chu kỳ và hạn chế hậu quả của đại dịch Covid-19. Giá dầu thô tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu, nông sản cũng tăng, chứng khoán bùng nổ toàn thế giới kể cả Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh chụp màn hình bản tin thời sự 19h VTV1.
"Chỉ số chứng khoán ngày càng đi lệch so với nền kinh tế thực", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định.
Bên cạnh đó, bất động sản cũng tăng mạnh trong quý I và gây áp lực to lớn lên lạm phát trong dài hạn, ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế vĩ mô.
Trước đó, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho rằng mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng TTCK tăng trưởng là một tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là “hàn thử biểu” của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của TTCK nói riêng. Tuy nhiên, việc TTCK duy trì đà tăng mạnh và dài như thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường. Điều UBCKNN quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay không hẳn chỉ là mức độ tăng trưởng của thị trường, mà quan trọng hơn là duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường.
Chính vì vậy, ông Sơn nhận định TTCK cũng đang đối diện với không ít khó khăn, đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
VN-Index đóng cửa phiên 15/6 ở mức 1.367,36 điểm, tương ứng tăng 23,9% so với cuối năm 2020 và gấp 2,07 lần so với đáy năm 2020 ở phiên 24/3/2020 (659,21 điểm). Với mức tăng như trên của VN-Index, Việt Nam cũng lọt vào lọt vào top 10 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm.
Nguồn: IndexQ.