VN-Index đã có khoảng thời gian tăng mạnh và liên tục đi lên các mức cao mới kể từ đáy nửa đầu năm 2021 được lập vào 28/1.
Nhiều cổ phiếu vẫn đi ngược lại xu hướng tăng của thị trường chung và lao dốc.
Đa số các cổ phiếu lao dốc mạnh thời gian đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam liên tục đi lên trong khoảng thời gian đầu năm 2021 bất chấp việc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dòng tiền nhà đầu tư "F0" tiếp tục được cho là động lực chính đẩy thị trường đi lên thời gian qua. Tính từ mức đáy của nửa đầu năm 2021 là 1.023,94 điểm (28/1), VN-Index đã tăng gần 33% lên mức 1.361,71 điểm. HNX-Index tăng 57% lên 319,01 điểm. UPCoM-Index tăng 28,5% lên 88,83 điểm.
Hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng giá tốt, trong đó có những mã như VPB của VPBank (HoSE: VPB), VIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) hay BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tăng đến trên 100%.
Bên cạnh đó, trên thị trường ghi nhận rất nhiều cổ phiếu tăng giá trên 200%, trong đó, SPI của Đá Spilít (HNX: SPI) tăng giá mạnh nhất với hơn 490%. Tiếp sau đó là BIO của Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (UPCoM: BIO) tăng 471%.
Dù xu hướng thị trường là đi lên kể từ khi VN-Index tạo đáy ở phiên 28/1 nhưng vẫn còn nhiều cổ phiếu đi ngược lại xu thế này và thậm chí còn giảm rất sâu. Tuy nhiên, đa phần các cổ phiếu trong nhóm này đều có thanh khoản rất thấp, nhiều mã còn không có giao dịch khớp lệnh trong 1 tháng qua.
30 cổ phiếu giảm giá nhất thị trường chứng khoán từ 28/1-14/6.
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là HLY của Gốm Xây Dựng Yên Hưng (UPCoM: HLY) với mức giảm 82,4%. Cổ phiếu HLY mới bị hủy niêm yết trên HNX và chuyển sang đăng ký giao dịch ở sàn UPCoM. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này lỗ 14 tỷ đồng năm 2020 khiến lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Do chưa khắc phục được số lỗ lũy kế này nên cổ phiếu HLY bị hạn chế giao dịch khi lên UPCoM và chỉ được giao dịch ở phiên thứ Sáu hàng tuần.
Hàng loạt các cổ phiếu như VTS của Viglacera Từ Sơn (UPCoM: VTS), VBH của Điện tử Bình Hòa (UPCoM: VBH), S27 của Sông Đà 27 (UPCoM: S27), CFC của Cafico Việt Nam (UPCoM: CFC) hay HGM của Kim Khí Hà Nội (UPCoM: HMG) đều có mức giảm trên 60%, nhưng điểm chung của các cổ phiếu này là thanh khoản rất thấp.
Trong danh sách các cổ phiếu giảm giá trên 30% trong thời gian kể trên chỉ vỏn vẹn 3 mã có khối lượng khớp lệnh trung bình 1 tháng trên 100.000 đơn vị là HVG của Thủy sản Hùng Vương (UPCoM: HVG), YEG của Yeah1 (HoSE: YEG) và SVD của Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng (HoSE: SVD).
Cổ phiếu HVG gây chú ý khi từ 28/1 đến 14/6 đã mất 43% giá trị và cổ phiếu giảm từ mức 3.700 đồng/cp xuống còn 2.100 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu HVG chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần do bị hủy niêm yết trên HoSE vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE, hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu.
Cổ phiếu YEG vẫn "lầm lũi" đi xuống trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2021. Kể từ 28/1 đến 14/6, YEG đã mất 47% giá trị. Hiện tại, YEG vẫn đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất lịch sử và chốt phiên 14/6 ở mức chỉ 21.500 đồng/cp. Cuộc khủng hoảng mạng đa kênh với Youtube từ hơn 2 năm trước đã khiến Yeah1 rơi vào cảnh lao dốc khi xóa tan kỳ vọng tăng trưởng doanh nghiệp này. Công ty đã thua lỗ từ 2019-2020 và tiếp tục kéo sang quý I/2021. Kết thúc quý I, Yeah lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 46 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi nhẹ 3,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý I là 265 tỷ đồng, vốn điều lệ 313 tỷ đồng.
Biến động giá cổ phiếu YEG từ 28/1 đến 14/6. Nguồn: FireAnt.
Năm 2021, HĐQT trình kế hoạch doanh thu 2.710 tỷ đồng, tăng 122% so với năm trước; lãi sau thuế 4 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 174 tỷ đồng năm trước.
Yeah mới đây đã quyết định triển khai thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty con là Yeah1 Edigital. Cụ thể, phương án IPO Yeah1 Edigital gồm phát hành mới và chào bán cổ phiếu của cổ đông hiện hữu. Nguyên tắc ưu tiên phân phối là phân phối hết số cổ phiếu của Yeah1 Edigital, sau đó sẽ phân phối cổ phiếu do Tập đoàn Yeah1 chào bán. Yeah1 sẽ chuyển nhượng 1,25 triệu cổ phiếu Yeah1 Edigital. Giá chào bán bằng mức giá chào bán cổ phiếu phát hành mới do Yeah1 Edigital phát hành, không thấp hơn giá trị sổ sách 15.497 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong top 50 về vốn hóa toàn thị trường vẫn ghi nhận 5 cổ phiếu giảm so với thời điểm VN-Index tạo đáy ở nửa đầu năm 2021. Trong đó, VJC của Vietjet (HoSE: VJC) giảm mạnh nhất với 4,9%. SAB của Sabeco (HoSE: SAB) cũng giảm 4%. VNM của Vinamilk (HoSE: VNM) giảm 2,5%. BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) hay VRE của Vincom Retail (HoSE: VRE) giảm lần lượt 1,9% và 0,3%.
biến động 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK từ 28/1-14/6.