• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 7:03:34 CH - Mở cửa
Dệt may, da giày vẫn... 'đuối' ở thị trường EU?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/06/2021 8:43:25 SA
Những con số thống kê cho thấy ngành dệt may vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, với ngành da giày thì con số tích cực hơn. Song vẫn còn những khó khăn nội tại về nguyên liệu, chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu... thách thức hai ngành này ở thị trường EU.
 
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố báo cáo Hiệp định EVFTA với thương mại Việt Nam, trong đó tập trung phân tích hai ngành dệt may - da giày.
 
EVFTA chưa tạo cú hích mạnh
 
Báo cáo này nêu rõ với quy mô nhập khẩu (NK) hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường NK lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 34% tổng giá trị NK dệt may của thị trường thế giới, với tốc độ tăng NK bình quân 3%/năm. Trong khi thị phần xuất khẩu (XK) của dệt may Việt Nam tại thị trường EU mới chỉ chiếm khoảng 2,0%, như thế, dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng XK vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất lớn.

 
Hiệp định EVFTA vẫn chưa thể tạo ra cú hích thực sự với ngành dệt may. 
 
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thực tế tác động của EVFTA đến hoạt động XK hàng may mặc của Việt Nam ở thời điểm hiện tại là chưa nhiều. Theo đó, kể từ tháng 8/2020 (thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến hết quý I/2021, XK mặt hàng này của Việt Nam bắt đầu cải thiện. Mức giảm tăng trưởng XK (tính lũy kế từ đầu năm) đã chậm lại kể từ tháng 8/2020 và bắt đầu ghi nhận tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2021. Trong quý I/2021, XK hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU đã tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.
 
Báo cáo trên cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng XK hàng may mặc trung bình của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua đạt gần 9% nhưng tỷ trọng XK dệt may vào EU trong tổng kim ngạch XK trên toàn thế giới của Việt Nam trong những năm qua giảm từ 11,73% của năm 2016 xuống 10,81% năm 2019 và xuống 10,47% năm 2020.
 
Theo Cục Xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, Hiệp định EVFTA chưa tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho ngành dệt may Việt Nam như thời kỳ gia nhập WTO hay ký BTA với Mỹ.
 
"Trong quý I/2021, hàng dệt may của Việt Nam XK sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 chiếm khoảng 30% kim ngạch XK hàng dệt may sang thị trường này. Quy định phức tạp về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA cũng như hạn chế về năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất XK là những thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA", báo cáo trên dẫn chứng.
 
Trong khi đó, với ngành da giày, con số tích cực hơn. Kể từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 đã có 6 tháng XK giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng (ngoại trừ tháng 2/2021, XK giày dép các loại sang EU giảm do nghỉ Tết Nguyên đán). So với trước thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, XK giày dép của Việt Nam sang thị trường EU đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Quý I/2021, XK giày dép sang EU tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi đó tại cùng thời điểm quý I/2020 chỉ tăng 0,1% và quý I/2019 tăng 11,9%.
 
Mặc dù các Hiệp định FTA có hiệu lực đem lại cơ hội rất lớn cho XK ngành giày dép của Việt Nam nhưng Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận khả năng tận dụng được cơ hội vẫn là thách thức với nhiều doanh nghiệp (DN). Trong đó, những vấn đề mà các DN ngành giày dép trong nước gặp phải là chi phí vận chuyển, giao hàng XK (số lượng container quá khan hiếm) và giá cả thuê container tăng mạnh.
 
Việc phát triển nguyên phụ liệu vẫn chủ yếu kêu gọi và phụ thuộc vào khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước nguồn lực yếu, rất ít DN đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện 60% nguyên phụ liệu của ngành vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều DN trong nước đã chú trọng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn cần đầu tư nhiều vấn đề như nguồn lực, kiến thức...
 
Vượt 'bệnh hiểm nghèo' chứ chưa khỏe lên
 
Những vấn đề của ngành da giày hay dệt may đã được chính các DN trong ngành nhìn thấy nhưng thực tế để cải thiện thì không hề dễ. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), chia sẻ XK da giày liên tục tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhưng các DN FDI đang nắm lợi thế từ FTA tốt hơn DN Việt Nam. Nguyên nhân là do DN FDI có quy mô lớn, tiềm lực mạnh nên dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các FTA đặt ra. Trong khi đó, DN Việt Nam chủ yếu loay hoay quanh "ao làng", quy mô nhỏ bé.
 
Thời gian qua, một số thương hiệu giày dép của Việt Nam đã được người tiêu dùng biết đến, nhưng để khẳng định tên tuổi khi đưa sản phẩm ra thị trường thì phải công bố được tiêu chuẩn cho dù đó là tiêu chuẩn do DN tự đưa ra như độ bền, độ mài mòn, độ bền màu... để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam vẫn đang thiếu điều đó trong marketing sản phẩm và chưa thể hiện được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Trong khi, đây mới là yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu một cách bền vững.
 
Trong khi với ngành dệt may, chủ động nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ vẫn đang là vấn đề rất đau đầu. Đại diện một DN có kinh nghiệm XK mấy chục năm chia sẻ, chỉ vì lơ là trong việc giám sát nguồn gốc của sợi chỉ may quần áo mà DN này đã không đáp ứng quy tắc xuất xứ của cả một lô hàng. "Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu nhưng không phát hiện ra, để đến khi đối tác phản ánh thì mới biết, điều này rất mất uy tín", đại diện này chia sẻ.
 
Như lời ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), DN dệt may đã vượt qua năm 2020 như vượt qua một "cơn bệnh khẩn cấp", chúng ta đã vượt qua hiểm nguy nhưng thực sự chúng ta còn nguyên các rủi ro tiềm ẩn mà bất cứ lúc nào cũng có thể bùng phát. Về bên ngoài, đó chính là yếu tố dịch bệnh chưa được kiểm soát, khi dịch bùng lên, trạng thái đóng băng như 2020 có thể xuất hiện.
 
"Ở bên trong, chúng ta vừa vượt qua bằng thắt lưng buộc bụng, bằng chung tay, chung sức, bằng sản xuất bất cứ sản phẩm nào có nhu cầu trên thị trường. Nhưng tất cả các giải pháp đó chỉ giúp chúng ta vượt hiểm nghèo chứ không giúp chúng ta khỏe lên. Phương thức kinh doanh và vị trí của chúng ta trong chuỗi cung ứng chưa có thay đổi nhiều", ông Trường nói.
 
Các chuyên gia thương mại cũng cảnh báo từ đại dịch COVID-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất. Do đó, nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề về chuỗi cung ứng, DN sẽ rất bị động.
 
Trong thời gian tới, các DN trong ngành da giày, dệt may cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành DN.
 
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức