Dòng tiền đổ vào chứng khoán được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể khi mức định giá thị trường về mức hợp lý hơn và trần margin sớm được nới nhờ làn sóng tăng vốn của loạt CTCK.
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu chững lại tại vùng đỉnh. Thanh khoản bất ngờ sụt giảm đáng kể trong những phiên gần đây là nguyên nhân chính khiến thị trường không đủ “xăng” để tiếp tục vươn đến mốc đỉnh mới.
Thống kê cho thấy thanh khoản trên HoSE các phiên giao dịch từ đầu tuần bất ngờ sụt giảm đáng kể khi các phiên giao dịch tỷ USD dần biến mất. Đặc biệt, trong phiên giao dịch 24/6 vừa qua, thanh khoản trên HoSE đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4/2021 với 18.484 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh chỉ 16.673 tỷ đồng.
Con số này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó, thời điểm thị trường giao dịch đặc biệt sôi động với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD trên HoSE, thậm chí có phiên thanh khoản lên đến gần 32.000 tỷ đồng.
*Số liệu tính đến hết ngày 24/6/2021
Đáng chú ý, giai đoạn thanh khoản bùng nổ diễn ra bất chấp tình trạng nghẽn lệnh vẫn xảy ra thường xuyên trên HoSE khiến các CTCK phải hạn chế việc hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư. Đến khi thị trường sắp được “thông làn” thì giao dịch lại không còn được sôi động như trước.
Mới đây, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FIS) đã cho biết, FPT sẽ đưa ra quy trình vận hành để hệ thống trơn tru, dự kiến cuối tháng 6 có thể sẵn sàng Go-live. Mục tiêu của hệ thống mới là có khả năng tải 3-5 triệu lệnh và sẽ bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Số lượng lệnh gửi trong 1 giây cũng cao hơn rất nhiều so với hiện nay.
MARGIN CÓ THẬT SỰ “CĂNG”?
Theo quan điểm nhiều nhà đầu tư, tình trạng “căng” margin tại các CTCK cũng gây ra tâm lý lo ngại về nhịp điều chỉnh mạnh. Điều này phần nào lý giải cho sự dè dặt của dòng tiền tham gia vào thị trường thời điểm này.
Thống kê cho thấy dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tính tới thời điểm 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt hơn 112.000 tỷ đồng, tăng 31.200 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ so với cuối quý 1/2021.
Xét về số tuyệt đối dư nợ margin 112.000 tỷ đồng là con số lớn và rõ ràng đang gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, đặt trong tương quan với bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, con số này có thực sự đáng lo ngại?
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, việc thị trường tăng trưởng mạnh dẫn đến dư nợ margin tăng là điều dễ lý giải. Nhiều công ty chứng khoán cũng đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ như cầu cho vay thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán HSC cho biết, tỷ số dư nợ/thanh khoản khoảng 4-5 lần có thể xem là con số không cao. Vì vậy, áp lực margin là có nhưng đáng ngại thì chưa. Thay vào đó, rủi ro sẽ nằm ở các cổ phiếu tăng phi mã mà không có sự đi kèm tương xứng về mặt cơ bản trong thời gian qua.
Chứng khoán MBS đánh giá với lượng margin như hiện tại, thậm chí có thể dự phóng lên 150.000 tỷ đồng thì tỷ lệ margin/vốn hóa lưu hành tự do (Free float) đối với thị trường trong nước vẫn dưới 7,09%.
So sánh với các thị trường trên thế giới, hiện dư nợ margin ở thị trường Mỹ cũng đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 1995. So với thị trường Trung Quốc hồi năm 2015, lượng margin/vốn hóa lưu hành tự do (Free float) vào khoảng hơn 9%.
MBS cho rằng làn sóng tăng vốn của các CTCK đã diễn ra và dư địa tăng trưởng margin cho thị trường sẽ tốt hơn kể từ tháng 7 tới, hỗ trợ dòng tiền tham gia thị trường và thanh khoản.
Nhìn về diễn biến thị trường, trong khi cả tháng 3 hầu như thị trường đi ngang tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm nên lượng margin vào thị trường sẽ không lớn, thông thường margin lên cao khi thị trường tăng nóng.
Cho tới khi thị trường chính thức vượt ngưỡng 1.200 điểm vào đầu tháng 4, mặc dù chỉ số tăng nhưng phần lớn cổ phiếu giảm trong thời gian này ngoại trừ các cổ phiếu trụ. Theo thống kê trên sàn HSX, ở thời điểm hiện tại vẫn có gần 65% số cổ phiếu chưa vượt ngưỡng 1.200 điểm hồi đầu tháng 4 (tính theo giá đóng cửa ngày 22/4).
Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2021
Nhìn vào tương quan diễn biến của VN-Index, thanh khoản và dư nợ margin thời gian qua có thể thấy nhịp tăng của thị trường khá bền vững. Động lực đẩy thị trường đi lên phần lớn đến từ tiền “thịt” của nhà đầu tư bởi dư nợ margin chỉ tăng 10.700 tỷ đồng sau 2 tháng trong khi thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng 5 đã tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với con số trung bình tháng 3.
KHÔNG CÒN RẺ NHƯNG LIỆU ĐÃ HẾT HẤP DẪN?
Một yếu tố có thể lý giải cho sự sụt giảm thanh khoản những phiên vừa qua đến từ chính mức định giá thị trường đã không còn rẻ sau nhịp tăng khá mạnh. Nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn thay vì chấp nhận mạo hiểm nhập cuộc tại vùng giá cao.
Trong báo cáo gần đây, Petri Deryng, người quản lý danh mục Pyn Elite Fund cho biết, sẽ không thích hợp nếu nói rằng TTCK và giá cổ phiếu đang rẻ vào lúc này. TTCK Việt Nam có P/E 16, là con số hợp lý nếu xét đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Dựa trên mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo, P/E của các cổ phiếu cốt lõi trong danh mục Pyn Elite Fund sẽ giảm xuống 12,5 vào năm 2022 và 10,1 vào năm 2023.
Petri Deryng cho rằng hiệu suất trong dài hạn của VN-Index có mối tương quan chặt chẽ với KQKD. Tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2018 – 2020 của các doanh nghiệp giảm xuống, kéo theo đà sụt giảm của VN-Index. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2021 được dự báo tích cực và triển vọng năm 2022 và 2023 cũng rất khả quan.
Trước đó, Dragon Capital cũng cho rằng định giá cổ phiếu ngân hàng và TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn dù đã tăng mạnh. Theo đó, đà tăng của thị trường chủ yếu dựa vào nhóm Thép và Ngân hàng khi cổ phiếu hai nhóm này tăng 20% - 40%. Bên cạnh đó, nhóm Chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 30% - 35% khi triển vọng ngành được dự báo tích cực.
Dragon Capital đã nâng mức dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 dựa trên số liệu tích cực của quý 1 và cập nhật quý 2 từ lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết. Các doanh nghiệp thuộc nhóm DC TOP-60 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng EPS 49% và chỉ số PE đạt 12,5 lần. Đối với năm 2022, Dragon Capital dự báo EPS tăng 20% và PE đạt 10 lần. Nếu số liệu thực tế đạt kỳ vọng này, định giá thị trường hiện tại vẫn đang ở mức rất hấp dẫn.
Thị trường bắt đầu đón nhận những con số ước tính lợi nhuận quý 2 đầu tiên. Kỳ báo cáo quý 2 được dự báo sẽ tích cực về mặt tăng trưởng lợi nhuận với những ngành trọng điểm thu hút dòng tiền lớn như Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, Dầu khí, Bất động sản…
Trong bối cảnh lãi suất chưa có dấu hiệu tăng trở lại trong khi thị trường bất động sản có phần trầm lắng, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút tiền trong thời gian tới. Thanh khoản có thể được cải thiện khi mức định giá thị trường về mức hợp lý hơn và trần margin sớm được nới nhờ làn sóng tăng vốn của các CTCK.