Các thị trường chứng khoán châu Á tháng 5 ghi nhận dòng vốn ngoại rời đi nhiều nhất 14 tháng do ảnh hưởng từ Covid-19.
Áp lực lạm phát tăng cũng cản trở khẩu vị rủi ro của nhóm nhà đầu tư này.
Số liệu từ các sàn chứng khoán ở Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cho thấy khối ngoại bán ròng 12,05 tỷ USD cổ phiếu khu vực, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
“Dòng vốn rời đi trong tháng 5 bởi nhiều yếu tố khác nhau tại các thị trường khác nhau nhưng điểm chung là sự bùng phát trở lại của Covid-19”, theo Manishi Raychaudhuri, chiến lược gia cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas.
Raychaudhuri cho biết những thị trường như Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ bị bán mạnh bởi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) do dự báo suy giảm trong tiêu dùng và lợi nhuận ước tính.
Thị trường Hàn Quốc bị FII bán ròng 7,97 tỷ USD trong tháng 5, mạnh nhất khu vực, bởi lo ngại lạm phát tăng, gia tăng khả năng chính sách tiền tệ dần thắt chặt.
Dòng vốn ngoại tại các thị trường chứng khoán Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc qua các tháng, từ 12/2020 đến 5/2021.
Tại Đài Loan, con số trên là 2,1 tỷ USD. Hòn đảo này đang phải ứng phó đợt hạn hán tệ nhất lịch sử do không có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp trong năm 2020, đồng nghĩa ít mưa hơn.
Thái Lan và Ấn Độ ghi nhận mức bán ròng lần lượt là 1,1 tỷ USD và 389 triệu USD.
Số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở Ấn Độ gần đây có xu hướng giảm, gia tăng hy vọng tình hình sớm cải thiện. Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn đó bởi chỉ 3% dân số Ấn Độ được tiêm vaccine, thấp nhất trong số 10 quốc gia có tổng số ca nhiễm nhiều nhất.
Raychaudhuri dự báo dòng vốn ngoại sẽ phục hồi tại một số thị trường châu Á chọn lọc trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là ở Đài Loan và Hàn Quốc.
“Đài Loan và Hàn Quốc có thể hưởng lợi trong trung hạn bởi lợi nhuận doanh nghiệp tại hai thị trường này được thúc đẩy mạnh mẽ từ sự hồi sinh tiêu dùng thế giới – đặc biệt là tại các quốc gia phát triển – xu hướng được chúng tôi tin rằng sẽ kéo dài một thời gian”.