Nhiều đơn vị vận tải phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và sản lượng hành khách sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi sản lượng hành khách, lượt xe, doanh thu sụt giảm, trong khi vẫn phải duy trì nhiều hoạt động. Do đó, các hiệp hội vận tải đã có kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, qua các đợt dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-80% doanh thu. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và sản lượng hành khách sụt giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động.
"Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế,” ông Hải thừa nhận.
Trước những khó khăn này, Hiệp hôi vận tải Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Đối với các doanh nghiệp vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi nộp chậm).
Hiệp hôi vận tải Hải Phòng đề nghị điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ôtô không kinh doanh vận tải (bao gồm xe khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, taxi, xe vận tải khách du lịch) lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành với các xe kiểm định lần thứ 2 trở đi; điều chỉnh tăng niên hạn sử dụng với các loại xe kinh doanh vận tải hành khách thêm 3 năm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi chưa có điều kiện thay thế phương tiện mới do số km và thời gian xe vận hành giảm 70-80% so với trước khi Việt Nam công bố có dịch.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ cho các doanh nghiệp vận tải khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội và Hiệp hội vận tải Hải Phòng đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera để Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời điểm thực hiện cho khả thi. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị lắp camera, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ./.