Fed họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 27 – 28/7, sự kiện đáng chú ý nhất với thị trường tuần này. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, sẽ thông báo kết quả họp vào 14h00 ET ngày 28/7 (1h00 ngày 29/7 giờ Hà Nội). Cuộc họp báo của chủ tịch Fed Jerome Powell diễn ra sau đó 30 phút.
Fed dự báo không có thay đổi chính sách nào trong cuộc họp tháng 7 nhưng có thể sẽ thảo luận nhiều hơn về việc siết hỗ trợ. Vấn đề này khả năng cao còn được đưa ra tại sự kiện thường niên của Fed ở thành phố Jackson Hole, bang Wyoming, vào tháng 8, ING nhận định.
Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ gần đây, Powell nêu rõ ông vẫn tin xu hướng lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và không có áp lực cần phải phát tín hiệu về một sự thay đổi chính sách cận kề. Vẫn còn gần 7 triệu người thất nghiệp so với tháng 2/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
“Với bối cảnh này, chúng tôi cho rằng Fed không thay đổi lãi suất 0 – 0,25% hiện tại hay giảm quy mô mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Chủ tịch Powell khả năng cao thông báo việc thảo luận siết chính sách đã bắt đầu nhưng còn nhiều thời gian trước khi họ cần phải đi đến quyết định về bước đi tiếp theo”, các nhà phân tích tại ING cho biết.
Quan điểm của các nhà lập chính sách ở Fed về lạm phát là yếu tố quan trọng cần chú ý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Mỹ tăng 0,9%, mức tăng một tháng cao nhất 13 năm. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tháng 6 tăng 5,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Powell nhiều lần nhận định áp lực lạm phát sẽ giảm dần. Dù vậy, sức ép lên Fed vẫn gia tăng, với một số kinh tế gia lập luận ngân hàng trung ương Mỹ nên bắt đầu siết chương trình mua trái phiếu từ cuối năm nay để chuẩn bị cho tăng lãi suất – chính sách sẽ giúp kiểm soát đà tăng giá.
Thay đổi quy mô bảng cân đối của Fed và lãi suất ở Mỹ. Ảnh: ING.
Fed còn một vấn đề khác là biến chủng Delta gây Covid-19. Biến chủng Delta đang lây lan nhanh trên thế giới, gia tăng áp lực lên ngành du lịch toàn cầu. Biến chủng Delta hiện chiếm 83% số mẫu được giải trình tự gene ở Mỹ. Lo ngại về thiệt hại tiềm ẩn do Delta gây ra từng khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu hôm 19/7.
Delta sẽ khiến Fed khó ra quyết định hơn.
Một đợt bùng dịch Covid-19 nữa có thể khiến các chuỗi cung ứng, vốn đang gián đoạn phần nào, khó phục hồi về bình thường, đồng nghĩa đẩy giá tiếp tục tăng. Nhưng đồng thời, Delta cũng có thể khiến nền kình tế mất đà phục hồi, khiến lực cầu giảm và giá giảm.
“Biến chủng Delta đủ sức khiến các nền kinh tế phát triển khác, và Trung Quốc, đóng cửa trở lại. Tình trạng đó sẽ một lần nữa bóp nghẹt các chuỗi cung ứng, kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế”, Dan North, kinh tế gia cấp cao tại hãng bảo hiểm Euler Hermes, nói.