Theo MBKE, VN-Index ở hiện tại đạt 1.353 điểm, tiềm năng tăng là 11% (đối với kịch bản cơ sở đạt 1.500 điểm), so với rủi ro giảm là 7,6% (đối với kịch bản xấu nhất giảm còn 1.250 điểm).
Triển vọng tăng trưởng EPS dự kiến năm 2021 đạt 35%, vẫn thấp hơn một số dự báo lạc quan là tăng trưởng 40-45% so với năm trước.
MBKE ưu tiên ngành có doanh thu và lợi nhuận ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid thứ 4.
Theo báo cáo chiến lược thị trường và tiêu điểm kinh tế vĩ mô tháng 8, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định Việt Nam trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lâu nhất từ trước đến nay trong 3 tháng qua, trong đó một phần ba đất nước được đặt trong tình trạng kiểm soát nghiêm ngặt.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô tháng 7 cho thấy nhu cầu xuất khẩu ổn định đã giúp duy trì sản xuất và thương mại ở tốc độ tăng trưởng linh hoạt, với sự trợ giúp của Chính phủ trong nỗ lực giữ cho các nhà máy mở cửa. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước đã giảm trong thời gian sau đó, khi giãn cách được triển khai. MBKE dự đoán kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và vĩ mô quý III sẽ phản ánh những tác động tiêu cực nhất của Covid-19 đối với Việt Nam. Nhưng MBKE kỳ vọng các công ty sẽ phục hồi đủ nhanh để chuẩn bị cho nhu cầu bị dồn nén trong quý IV, cao điểm nhất trong năm.
Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2021 duy trì ở mức 35% so với năm trước. Điều này một phần nhờ vào kết quả hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm, tương đương tổng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 54% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm.
VN-Index điều chỉnh nhiều nhất là 12,5% trong tháng 7 trong các thị trường trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia giảm ít hơn. Sự điều chỉnh trong tháng 7 đã thúc đẩy sự trở lại của một số dòng vốn nước ngoài. Khối ngoại mua ròng 240 triệu USD trong tháng 7. Tháng 8 có thể vẫn gây khó khăn cho nhà đầu tư nhưng MBKE kỳ vọng sự phục hồi rõ ràng và ổn định hơn cùng với việc đẩy mạnh tiêm phòng từ cuối quý III.
VN-Index ở hiện tại đạt 1.353 điểm và MBKE, chỉ số này có tiềm năng tăng là 11% (đối với kịch bản cơ sở đạt 1.500 điểm), so với rủi ro giảm là 7,6% (đối với kịch bản xấu nhất giảm còn 1.250 điểm). Thị trường Việt Nam đang giao dịch ở mức 15,8 lần PER (P/E) năm 2021, thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm.
Triển vọng tăng trưởng EPS dự kiến năm 2021 của MBKE đạt 35% vẫn thấp hơn một số dự báo lạc quan là tăng trưởng 40-45% so với năm trước. MBKE tin rằng khi tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh vào cuối quý III đến quý IV (tức là 30% được tiêm đủ liều, theo dự báo của HSBC; dự báo của MBKE là 34%; mục tiêu của Chính phủ là 50%), sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và thị trường sẽ được hồi sinh.
Theo ngành, MBKE ưu tiên ngành có doanh thu và lợi nhuận ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid thứ 4, nhờ vào sự phục hồi của thị trường toàn cầu (ví dụ như cảng biển, dầu khí, các nhà xuất khẩu sang thị trường Mỹ /EU), ngành có tăng trưởng lợi nhuận (như là ngân hàng, chứng khoán), và/hoặc ngành theo mùa có lợi nhuận cao vào cuối năm (như là bất động sản).