Các cổ phiếu tăng giá mạnh trong tháng 7 đa phần thuộc sàn UPCoM và có thanh khoản ở mức rất thấp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là các mã ngân hàng lao dốc và tác động xấu đến thị trường chung. Bộ ba cổ phiếu họ Masan là MML, MSN và MCH tăng giá mạnh nhất top 50 vốn hóa.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng giảm 98,5 điểm (-6,99%) so với cuối tháng 6. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 2,62% xuống 314,85 điểm và UPCoM-Index giảm 3,68% xuống 86,93 điểm.
Thanh khoản trong tháng 7 giảm trở lại, với giá trị khớp lệnh trung bình đạt 22.300 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 6, nhưng mức này vẫn cao hơn 7,2% so với con số 20.800 tỷ đồng của trung bình 6 tháng đầu năm.
Rất nhiều nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống khi thị trường chung điều chỉnh. Tại nhóm 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trướng chứng khoán ghi nhận 38 mã giảm giá sau 1 tháng giao dịch, trong đó có 12 mã tăng trên 10%. Cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm này là BCM của Becamex (HoSE: BCM) với mức giảm 22,4%. Giữa tháng 7, BCM bất ngờ có chuỗi 6 phiên lao dốc liên tiếp trong đó có 2 phiên giảm sàn, giá cổ phiếu giảm từ 52.300 đồng/cp xuống chỉ còn 39.200 đồng/cp. BCM lao dốc bất chấp không có thông tin nào tác động.
Mới đây, công ty này đã công bố BCTC quý II với doanh thu giảm 32% xuống còn 1.637 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 506 tỷ đồng, tăng 58,8% so với quý II năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 473 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 974 tỷ đồng, tăng 49,6% so với nửa đầu năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 929 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có một tháng giao dịch không được tích cực và tạo rất nhiều áp lực đến các chỉ số thị trường. Trong đó, cả 3 vị trí đứng sau BCM về mức giảm giá ở nhóm vốn hóa lớn đều thuộc ngành ngân hàng là VIB của Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (HoSE: VIB), CTG của VietinBank (HoSE: CTG) và VCB của Vietcombank (HoSE: VCB). Trong đó, VIB giảm 15,9%, còn CTG và VCB đều giảm 15,8%.
Cả Vietcombank và VietinBank đều ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý II. Đối với Vietcombank, thu nhập lãi thuần đạt 10.937 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Chi phí dự phòng hơn 3.226 tỷ đồng, tăng 74%, kéo lợi nhuận trước thuế giảm 16%, ở mức 4.716 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 13.021 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020, tương đương 52% kế hoạch năm.
Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động của VietinBank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng 2 lần lên 7.106 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế quý II giảm 38% xuống 2.790 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank ở mức 10.850 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2020, tương đương 48% kế hoạch năm. Con số này cao thứ ba sau Vietcombank và Techcombank.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như NVL của Novaland (HoSE: NVL), VRE của Vincom Retail (HoSE: VRE), BVH của Bảo Việt (HoSE: BVH)... cũng giảm giá khá mạnh trong tháng 7 vừa qua.
Biến động giá của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất TTCK trong tháng 7.
Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm vốn hóa lớn là 3 cổ phiếu cùng họ Masan là MML của Masan MeatLife (UPCoM: MML), MSN của Masan (HoSE: MSN) và MCH của Hàng Tiêu Dùng MaSan (UPCoM: MCH). Trong đó, MML tăng mạnh nhất với 30,7%. MSN và MCH tăng lần lượt 21,3% và 11,3%. Ngoài ra các cổ phiếu lớn hiếm hoi cũng tăng giá có KDH của Nhà Khang Điền (HoSE: KDH), MWG của Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG), FPT của Tập đoàn FPT (HoSE: FPT)..
Trong tháng 7, toàn thị trường chứng khoán ghi nhận 18 mã tăng trên 50% trong đó có 5 mã tăng trên 100% là HNT của Xe điện Hà Nội (UPCoM: HNT), DPS của Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (UPCoM: DPS), KLM của Kim loại màu Nghệ Tĩnh (UPCoM: KLM), HLS của Sứ Hoàng Liên Sơn (UPCoM: HLS) và HHR của Đường sắt Hà Hải (UPCoM: HHR). Điểm cũng cả các mã này là đều thuộc sàn UPCoM và hầu hết có thanh khoản rất thấp. DPS khác biệt khi có thanh khoản khá cao. Tuy nhiên, DPS nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần. Toàn bộ cả 5 phiên thứ Sáu ở tháng 7, DPS đều tăng trần.
30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tháng 7.
Trong khi đó, 27/30 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán tháng 7 có mức giảm trên 30%. Trong đó, đa phần các cổ phiếu này đều có thanh khoản duy trì ở mức thấp. Cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường là BBH của Bao bì Hoàng Thạch (UPCoM: BBH) với mức giảm 47,33%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh trung bình 1 tháng qua của cổ phiếu này chỉ là 73 đơn vị/phiên.
30 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tháng 7.