P/E (12 tháng) của VN-Index dưới mức 16,x nhờ vào KQKD quý II tăng trưởng mạnh.
YSVN dự báo VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại mức đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8.
YSVN không thấy nhiều rủi ro tài chính về lạm phát, tỷ giá hay hệ thống ngân hàng.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo VN-Index sẽ quay lại vùng 1.420 điểm ở tháng 8. YSVN cho biết, P/E (12 tháng) của VN-Index dưới mức 16,x nhờ vào KQKD quý II tăng trưởng mạnh cho thấy thị trường đang ở giai đoạn định giá rẻ. Khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh khi thị trường đang ở mức định giá hợp lý. Đồng thời, chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục duy trì trên toàn cầu cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào kênh chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền toàn cầu sẽ hướng đến các thị trường mới nổi và cận biên có khả năng kiểm soát sớm dịch bệnh.
YSVN dự báo VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại mức đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8. Tuy nhiên, khả năng vượt mức 1.420 điểm phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam với hai kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản thứ nhất, dịch bệnh hạ nhiệt dần trong tháng 8, VN-Index có thể hướng về mức mục tiêu 1.456 – 1.500 điểm. Kịch bản thứ 2, dịch bệnh kéo dài hết quý III, VN-Index khó có thể vượt khỏi vùng 1.420 điểm.
Về các yếu tố vĩ mô, YSVN cho biết kinh tế vĩ mô trong tháng 7 nhìn chung cho thấy sự gián đoạn thật sự do đợt bùng phát Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng lên cả khâu sản xuất, bán lẻ và xuất nhập khẩu. Chỉ số PMI hồi phục nhẹ, mức độ tác động vẫn còn nặng nề khi sản lượng và số đơn hàng mới đều giảm manh, tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu khả quan hơn mặc dù vẫn bị ảnh hưởng. Cán cân thương mại tháng 7 tiếp tục nhập siêu 1,7 tỷ USD do xuất khẩu giảm mạnh ở khối doanh nghiệp trong nước và tăng trưởng chậm lại ở khối FDI. Chỉ số IIP tháng 7 vẫn tăng nhẹ 1,8% so với tháng trước nhưng cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3. Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 7 giảm mạnh 11,1% so với tháng trước và giảm 21,4% so với cùng kỳ do các đợt giãn cách xã hội mặc dù triển vọng dài hạn vẫn tích cực.
Về lạm phát, CPI tháng 7 tăng 2,64% so với cùng kỳ vẫn do nguyên nhân chính bởi nhóm giao thông và nhà ở - vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, có nhiều lý do để kỳ vọng lạm phát sớm đạt đỉnh ngắn hạn là giá hàng hóa thế giới bắt đầu đi ngang và chững lại và giá cả ở Việt Nam sẽ có độ trễ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước không thể đẩy chi phí gia tăng đầu vào vào giá bán do e ngại nhu cầu yếu. Trong tháng 7, FDI giải ngân tiếp tục duy trì tốc độ chậm trong khi FDI đăng ký bất ngờ giảm mạnh 53,8% so với cùng kỳ. YSVN vẫn nghiêng về kịch bản đây chỉ là giai đoạn chững lại của FDI do Covid-19.
Hầu hết các yếu tố đều không hỗ trợ tích cực cho tỷ giá trong tháng 7. Tuy nhiên, do đồng USD giảm giá trên thị trường quốc tế cũng như NHNN giảm mua USD dự trữ nên tỷ giá USD/VND nhìn chung vẫn giảm nhẹ. Vàng khá ổn định trong tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu nhìn chung vẫn đang trong xu hướng hồi phục từ đầu năm đến nay, tuy nhiên lãi suất qua đêm ở kỳ hạn ngắn có dấu hiệu giảm nhẹ. Các thông tin về việc sẽ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp gần đây vẫn chưa thể hiện trên số liệu thực tế.
Nhìn chung YSVN không thấy nhiều rủi ro tài chính về lạm phát, tỷ giá hay hệ thống ngân hàng. Về kinh tế, tình trạng rõ ràng là dòng vốn FDI, chuỗi cung ứng bị đình trệ và bán lẻ nhìn chung đang chịu tác động tiêu cực từ Covid. CTCK này cho rằng việc hồi phục phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch của Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này như xuất khẩu một số mặt hàng (dệt may, gỗ, cao su, hóa chất, nông – thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng), điện, nước – xử lý rác thải. Trong kịch bản lạm phát có thể giữ được trong mức dưới 4%, với bối cảnh nền kinh tế hiện tại, sẽ có khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu giảm lãi suất hoặc có một gói hỗ trợ kinh tế mới. Hiện nay, Chính phủ đang gấp rút tiến hành chiến dịch tiêm chủng toàn dân, theo chúng tôi đánh giá tốc độ triển khai khá nhanh, điều này có thể giúp Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian ngắn tới.