Ông Dương Mạnh Sơn, cựu Tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Hoàng Văn Quang, Thanh viên HĐQT sẽ giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Sơn.
PV Gas (HoSE:
GAS) công bố Nghị quyết HĐQT bầu Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới. Cụ thể, ông Dương Mạnh Sơn – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch PV Gas. Trước đó, ông Sơn được giao phụ trách HĐQT từ 1/9 sau khi ông Nguyễn Sinh Khang từ nhiệm để nghỉ hưu theo chế độ. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Quang – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Tổng giám đốc thay ông Sơn.
Chủ tịch (trái) và Tổng giám đốc mới của PV Gas.
Ông Dương Mạnh Sơn sinh năm 1969, trình độ chuyên môn là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Cơ khí ngành Công nghệ hàn. Tân Chủ tịch HĐQT có thời gian công tác gần 20 năm tại PV Gas. Từ tháng 2/2009, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Thường trực PV Gas. Từ tháng 5/2015 đến nay, ông được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ngoài ra, ông Sơn cũng đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy PVN, Bí thư Đảng ủy PV Gas.
Ông Hoàng Văn Quang sinh năm 1969, trình độ chuyên môn là Kỹ sư Cơ khí Chế tạo máy. Tân CEO cũng có thời gian công tác gần 20 năm trong ngành dầu khí. Tại PV Gas, ông Quang có 10 năm giữ chức vụ Giám đốc Công ty Dịch vụ Khí – đơn vị trực thuộc PV Gas và từ năm 2020 đến nay, đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Khí Hải Phòng trực thuộc tổng công ty.
8 tháng đầu năm, tổng doanh thu PV Gas ước gần 52.000 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch 8 tháng; lợi nhuận trước thuế trên 7.200 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch 8 tháng; lợi nhuận sau thuế gần 5.700 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 8 tháng.
Doanh nghiệp cho biết trong 8 tháng đầu năm giá dầu và giá LPG thị trường tăng so với kế hoạch. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trong nước bùng phát vào cuối tháng 4, diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là tháng 7 và 8. Nhu cầu khí của khách hàng điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 75% kế hoạch của PVN, bằng 84% năm 2020; khu vực Đông Nam Bộ đạt 86,2%, Tây Nam Bộ đạt 72,4% kế hoạch huy động khí cho sản xuất điện của Bộ Công Thương). Nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35-40% đối với LPG và 25-30% đối với khí thấp áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần 4. Nguyên nhân là nhiều khách hàng dừng, giảm sản xuất, kinh doanh.
PV Gas dự báo 4 tháng cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố bất định và không thuận lợi. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam 4 tháng cuối năm dù ở kịch bản kiểm soát dịch nào cũng đều ở mức thấp so với 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý III và đầu quý IV. Với PV Gas, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc trở lại hoạt động bình thường mới khó khả thi; nhu cầu khí, sản phẩm khí tiếp tục ở mức thấp so với 6 tháng đầu năm, thị trường LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung từ các nhà cung cấp lớn.