Việc tăng vốn và kỳ vọng tăng room ngoại được đánh giá là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong thời gian tới...
Theo báo cáo triển vọng thị trường năm 2022 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc tăng vốn sẽ là một chất xúc tác cho ngành ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là tại các ngân hàng nhà nước như BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn là VietinBank. Room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cả hai nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng này, KEB Hana Bank của BIDV và Mizuho Bank của Vietcombank hiện đang sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%.
Vì vậy, Vietcombank và BIDV vẫn còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược hiện nay của ngân hàng, Yuanta Việt Nam nhận định. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện đang sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.
Room ngoại tại một số ngân hàng thương mại
Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu của Yuanta cũng cho rằng, thị trường vẫn đang kỳ vọng việc tăng hạn mức tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng lên cao hơn 30%, điều này rõ ràng sẽ làm tăng room ngoại cho các ngân hàng để huy động thêm vốn.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này nhận thấy một vài ngân hàng hiện vẫn chưa hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng đó trong tương lai.
"Chúng tôi không cho rằng điều này sẽ diễn ra ngay lúc này hoặc trong tương lai gần, nhưng đó là điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai. Việc tăng vốn và kỳ vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng," nhóm nghiên cứu đánh giá.
Nói rõ hơn về cổ phiếu ngân hàng thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng nói chung vẫn sẽ có diễn biến tích cực trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Cụ thể, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã điều chỉnh giảm đáng kể vào đầu quý 3/2021 sau khi dẫn dắt thị trường tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã hồi phục tăng do thông tin tích cực từ việc tăng hạn mức tín dụng trong quý 4/2021. Hiện nay, P/B năm 2022 trung vị ngành ngân hàng dự báo là 1,6x với ROE năm 2022 là 20%, theo Bloomberg.
Nhóm phân tích ưu tiên tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao. Theo đó, các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản dưới tác động của Covid-19.
Hiện nay, tỷ lệ LLR của Vietcombank (243%) là tỷ lệ cao nhất ngành, tạo cho Vietcombank sự linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng nhằm thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản. Các ngân hàng khác như Techcombank, MB và ACB cũng đang áp dụng chiến lược thận trọng với tỷ lệ LLR cao.
"Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, thì các ngân hàng – đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của họ", báo cáo nêu rõ.