Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này được đánh giá là có sự phân hoá mạnh, hướng đến câu chuyện riêng hấp dẫn.
Sacombank - Tin đồn bán đấu giá cổ phần
Cổ phiếu
STB của Sacombank đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Thực tế, nhiều môi giới đã gửi tín hiệu mua mã
STB tới khách hàng trong tuần cuối tháng 12/2021, kỳ vọng sẽ có mức tăng giá mạnh mẽ nhất khi dòng cổ phiếu ngân hàng vào “sóng”.
Sacombank từng là ngân hàng đứng đầu trong các ngân hàng tư nhân về quy mô, thị phần, dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME banking) lớn mạnh, nhưng trong thời gian dài bị dòng tiền bỏ quên bởi câu chuyện hậu sáp nhập, nợ xấu…
Ở giai đoạn hiện nay, câu chuyện dù không mới, nhưng các tin đồn trên thị trường về thời gian dự kiến bán đấu giá 32,5% cổ phần
STB trong tháng 1/2022 với mức giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phiếu (mức giá được nhắc đến trong Đại hội đồng cổ đông 2021) đã kích hoạt sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Được biết, 32,5% cổ phần
STB là số cổ phần do nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Trầm Bê đã ủy quyền cho VAMC, sẽ được xử lý theo đề án tái cơ cấu, nhưng Sacombank có thể mua lại khoản này, trả lại trái phiếu đặc biệt, rồi bán đấu giá).
Theo thống kê của FIDT, cuối năm 2021, định giá P/B trung bình của nhóm ngân hàng là 2,1 lần.
STB đang có P/B 1,8 lần. Với giá trị sổ sách ước tính gần 18.500 đồng/cổ phiếu, nếu định giá theo P/B trung bình ngành thì
STB có giá phù hợp là 38.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giá này chưa đủ hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư khi so với nền giá gần 29.000 đồng/cổ phiếu trong phần lớn tháng 12/2021, trong khi chưa có thông tin chính xác về thời gian đấu giá, tức có rủi ro chờ đợi lâu hơn. Nhưng giới phân tích có quan điểm lạc quan về định giá theo P/B cho
STB, ở mức 2,5 lần, tương ứng với 46.000 đồng/cổ phiếu, đủ hấp dẫn dòng tiền.
Các ý kiến này cho rằng,
STB xứng đáng có một mức chênh/trả thêm (premium) cao cho đợt đấu giá lô 32,5% cổ phần sắp tới nhằm thu hồi vốn, bù đắp và khắc phục nợ xấu.
Mức chênh khoảng 10 - 15% đồng nghĩa các nhà đầu tư lớn tham gia đấu giá cổ phần
STB sẽ phải trả giá cao so với thị giá trên sàn, vì đây là số cổ phần có thể đạt trạng thái quản trị sâu rộng và quyết định chính sách chiến lược tại Ngân hàng.
Nếu nhìn xa hơn cho cả năm 2022, Sacombank khi có “chủ mới” thì định giá cổ phiếu có thể còn cao hơn nhiều so với giá hiện nay.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Banking nhận xét, thị trường đang có kỳ vọng giá cổ phần
STB cao nhờ vào thị hiếu của các khách hàng tiềm năng. Quá trình xử lý nợ xấu của
Sacombank (60% phần nợ xấu ban đầu đã được giải quyết) tạo ra kỳ vọng cho các nhà đầu tư trong nước về câu chuyện phục hồi như trường hợp
ACB năm 2017.
Eximbank - “Game” thoái vốn
Giới đầu tư đang kỳ vọng “game” SMBC tìm cách thoái 15% vốn tại Eximbank (mã chứng khoán
EIB) sẽ là chìa khoá quan trọng cho SMBC có thể trở thành đối tác chiến lược, sở hữu 15% vốn tại VPBank. Bởi lẽ, theo quy định về việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.
SMBC và VPBank đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank; đồng thời có những hợp tác sâu hơn với VPBank trong năm 2021, nên việc SMBC trở thành cổ đông lớn chiến lược trong thời gian tới là kịch bản được giới đầu tư nhìn nhận sẽ xảy ra với xác suất cao.
Quay lại với Eximbank, vì tin rằng SMBC thoái vốn sẽ có cổ đông/nhóm cổ đông nắm đủ lượng cổ phần để có tiếng nói chi phối là khởi đầu tích cực cho Ngân hàng nên giá cũng như thanh khoản cổ phiếu
EIB tăng vọt từ cuối năm 2021 tới nay. Giá mục tiêu 38.000 đồng/cổ phiếu được cho là mức “chốt” để các kế hoạch trên được diễn ra.
VPBank và HDBank: Triển vọng bán vốn chiến lược và nới “room”
Sau thời gian làm nản lòng nhà đầu tư vì cổ phiếu ì ạch trong nửa cuối năm 2021, mã
VPB của VPBank cũng được kích hoạt lại với kỳ vọng thương vụ bán vốn chiến lược sẽ sớm diễn ra. Theo phát biểu của Ban lãnh đạo tại hội nghị cổ đông, Ngân hàng dự kiến sẽ bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, kỳ vọng hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.
Ông Thành cho rằng, định giá cho thương vụ trên ít nhất sẽ bằng với định giá mà VPBank đưa ra cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2018, P/B đạt 2,2 lần.
Bên cạnh đó, VPBank và HDBank là 2 ngân hàng được đánh giá đủ tiêu chuẩn nới tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), trong đó, kỳ vọng cao hơn đặt vào HDBank.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới room lên 49% theo lộ trình quy định trong EVFTA. Nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm nới room, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu, bởi nới room sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
PG Bank: Thích hợp M&A
Cổ phiếu
PGB của PG Bank đang được hỗ trợ bởi cổ đông lớn Petrolimex dự kiến thoái vốn. Tính đến ngày 30/9/2021, Petrolimex có 11 khoản đầu tư vào các công ty liên kết, tổng giá trị 2.992 tỷ đồng, lớn nhất là khoản đầu tư vào PG Bank với 1.654,5 tỷ đồng, nắm giữ 40,57% vốn tại Ngân hàng.
Hiện tại, đa phần các ngân hàng trên thị trường đều đã có nhóm cổ đông chi phối, nên với tỷ lệ sở hữu lớn và kế hoạch thoái toàn bộ, câu chuyện thoái vốn của Petrolimex tại PG Bank tạo được sự chú ý trong ngành, đặt trong bối cảnh xin cấp phép thành lập ngân hàng mới gần như là điều bất khả thi.
Một nhân sự hoạt động trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đánh giá, M&A một ngân hàng nhỏ, “sạch” và dễ chi phối như PG Bank là câu chuyện hấp dẫn.
MSB và Techcombank: Thoái vốn và IPO công ty con
MSB đang đàm phán với các đối tác nước ngoài và chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thoái 100% vốn tại FFCOM (vốn điều lệ 600 tỷ đồng). Ban lãnh đạo
MSB kỳ vọng, việc thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng này sẽ thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng trong năm 2022 (55% theo dự báo của Maybank Investment Banking), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên 26%.
Với Techcombank, ông Thành chia sẻ, đây là ngân hàng niêm yết lớn thứ hai tại Việt Nam và là ngân hàng tư nhân lớn nhất. Techcombank tập trung vào doanh nghiệp SME và mảng bán lẻ. Công ty con TCBS là cánh tay đắc lực của
Techcombank trong việc phát triển mảng trái phiếu. Ngoài ra, TCBS cũng mạnh trong dịch vụ môi giới khách hàng cá nhân.
Lợi nhuận của TCBS trong năm 2020 bằng tổng lợi nhuận 3 công ty chứng khoán niêm yết hàng đầu là Chứng khoán SSI, Chứng khoán TP.HCM và Chứng khoán Bản Việt, với ROE đạt 40%. Theo đó, IPO TBCS sẽ là sự kiện giúp thị trường nhận ra giá trị Công ty, đồng thời tái định giá Techcombank, bởi Ngân hàng đang sở hữu 89%.
TCBS dự kiến sẽ tiến hành IPO vào đầu năm 2023, với tham vọng phát triển thành công ty mạnh trong khu vực về công nghệ quản lý tài sản, mục tiêu định giá đạt 5 tỷ USD.