Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt 335,23 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020. Kết quả này cho thấy, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua thách thức của dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA). FTA tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022.
Xuất khẩu năm 2022 dự báo tăng nhờ các FTA
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho hay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu (XNK) trong thời gian qua.
Hiện nay, việc tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) đã được thực hiện hiệu quả hơn. Nhờ đó, kim ngạch XK cả năm 2021 của Việt Nam ước đạt 335,23 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 13,6%. Đứng đầu vẫn là Mỹ với khoảng 91,5 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc khoảng 55,5 tỷ USD, EU 38,2 tỷ USD, ASEAN 27,5 tỷ USD và Nhật Bản, Hàn Quốc với mỗi thị trường khoảng 20 tỷ USD...
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhìn nhận lạc quan về cơ hội từ các FTA mang lại.
TS. Lê Huy Khôi (thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công thương) cho rằng, thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa, sẽ có xu hướng chuyển dịch thị trường hàng hóa theo chiều sâu dưới tác động của việc thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và các hiệp định vừa ký kết UKVFTA.
Việc thực hiện cam kết FTA với các nước châu Âu và các khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trở nên đa dạng, cân bằng hơn và đạt hiệu quả tốt hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào GDP của thế giới, đã có một nghiên cứu ước tính nếu GDP thế giới tăng 1%, thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Do vậy, nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm sau, thì XK của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16 - 20%.
Ông Lương Hoàng Thái cũng khá lạc quan đánh giá thị trường xuất khẩu năm 2022 khi cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19-19. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội đẩy mạnh XK trong năm 2022.
Doanh nghiệp tự tin kỳ vọng vào năm 2022
Vượt qua năm 2021 nhiều khó khăn thách thức, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đưa ra đánh giá lạc quan khi cho rằng năm 2022, chắc chắn nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm nhà hàng, khách sạn... du lịch hồi phục.
Để khai thác cơ hội thị trường, tăng trưởng tốt trong năm 2022, góp phần mục tiêu phát triển ngành đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 16 - 18 tỷ USD, ngành thủy sản cũng đang nỗ lực quảng bá khai thác cơ hội từ FTA.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã có đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành thủy sản tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trực tiếp, nhất là tại các hội chợ có quy mô lớn ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động trực tuyến cho doanh nghiệp ngành thủy sản thông qua các kênh của Bộ Công thương tại các thị trường đang tăng trưởng tốt, cũng như các thị trường tiềm năng.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, cũng kỳ vọng hoạt động XK sẽ tốt lên trong năm 2022.
Ông Trần Như Tùng cho hay, năm 2021, XK toàn ngành dệt may vẫn duy trì mức 39 tỷ USD trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
“Trong năm 2022, khi thế giới và Việt Nam dần thích ứng trước dịch Covid-19, chúng tôi kỳ vọng XK toàn ngành sẽ tăng khả quan hơn ít nhất 10%. Riêng với Thành Công, việc ký kết đơn hàng cho năm 2022 đã đến hết tháng 6/2022, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2021” - ông Trần Như Tùng nói./.