Vào tháng 10/2020, giá trị giao dịch bằng Euro trên toàn cầu thậm chí vượt qua đồng USD...
Trong báo cáo công bố vào tuần trước, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) sẽ vượt qua Mỹ trong năm 2022. Cụ thể, ngân hàng này ước tính GDP của Eurozone sẽ tăng 4,4% trong năm nay, trong khi tốc độ này của Mỹ chỉ là 3,5%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tháng này dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ vẫn cao hơn so với Eurozone trong năm 2022. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế chưa công bố báo cáo triển vọng kinh tế năm 2022.
Dù kết quả trên vẫn chưa “ngã ngũ”, có một chỉ số khác cho thấy sức mạnh kinh tế cũng như tầm quan ảnh hưởng quốc tế của Eurozone: đồng Euro.
Theo dữ liệu từ mạng lưới thanh toán quốc tế Swift, giá trị các giao dịch thanh toán bằng đồng Euro trên toàn cầu đang tăng nhanh và tiệm cận giá trị giao dịch bằng đồng USD của Mỹ.
Vào tháng 10/2020, giá trị giao dịch bằng Euro thậm chí vượt qua đồng USD. Dù việc này không kéo dài lâu, nhưng khoảng cách giữa hai đồng tiền này ngày càng thu hẹp lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo các nhà phân tích, một số nguyên nhân được xác định bao gồm cả nỗ lực phối hợp của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt khủng hoảng và chính sách lãi suất thấp.
Theo CNBC, niềm tin vào nền kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang bị lung lay vì sự thiếu chắc chắn xoay quanh gói kích thích kinh tế “Build Back Better” (Xây dựng lại cho tốt hơn) của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nếu không tính các giao dịch thanh toán giữa các nước Eurozone, đồng USD vẫn có lợi thế hơn với tư cách một loại tiền tệ dùng trong thương mại toàn cầu. Khoảng cách giữa giá trị giao dịch bằng đồng Euro và USD ở mức khoảng 3 điểm phần trăm vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tỏ ra ngạc nhiên trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Euro với tư cách tiền tệ thứ hai toàn cầu bởi từ lâu đồng USD được xem là loại tiền tệ thương mại quốc tế duy nhất.