• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 6:57:38 CH - Mở cửa
Thị trường M&A: Sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 30/01/2022 9:10:00 SA
Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường M&A tại Việt Nam thể hiện sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với 2019, đồng thời xuất hiện một số sự thay đổi đáng chú ý.
 
Giá trị giao dịch trung bình có xu hướng tăng
 
Sự thu hút đầu tư M&A tại Việt Nam ngày càng tăng được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch mà còn qua giá trị trung bình ngày càng tăng của các giao dịch.
 
Giá trị trung bình giao dịch tăng từ 28,1 triệu đô la Mỹ trong năm 2019 lên 42,8 triệu đô la Mỹ trong 10T 2021. Ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu đô la Mỹ được ghi nhận. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, đã có 22 giao dịch so với 19 giao dịch trong toàn bộ năm 2019. Các thương vụ ngày càng lớn được kì vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
 
Sự trỗi dậy của lĩnh vực Công nghệ
 
Trong những năm qua, bên cạnh các ngành truyền thống như Tiêu dùng thiết yếu, Tài chính ngân hàng và Bất động sản, ngành Công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong 10 tháng đầu năm 2021, thị trường M&A liên quan đến công nghệ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị và số lượng. Số lượng thương vụ tăng gấp hai lần trong khi tổng giá trị tăng trưởng hơn gấp ba lần so với cả năm 2020, đạt gần 1 tỷ đô la Mỹ, thậm chí vượt mức trước khi đại dịch xảy ra.
 
Nhân tố chính thúc đẩy xu hướng này đến từ nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ để đáp ứng yêu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay thế trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn ra. Việc giao dịch trực tuyến được kì vọng sẽ tiếp tục phát triển sau khi dịch kết thúc nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, cùng với đó là sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng trẻ có hiểu biết về công nghệ. Một số công ty Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này bao gồm VNG, VNPay, Sky Mavis, Momo và Tiki. Những công ty này đã huy động thành công hàng trăm triệu đô la Mỹ, trở thành hay tiệm cận với các công ty “Kì lân”. Các thương vụ nổi bật gần đây bao gồm khoản đầu tư 258 triệu đô la Mỹ vào Tiki được dẫn đầu bởi Bảo hiểm AIA, Sky Mavis nhận được 152 triệu đô la Mỹ từ nhóm nhà đầu tư dẫn dắt bởi Andreessen Horowitz, hay Momo huy động 100 triệu đô la Mỹ từ Warburg Pincus và một số quỹ khác.
 
Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, là môi trường khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp đi lên. Nguồn nhân lực về công nghệ lớn đi kèm với tư duy khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển này. Ngày càng nhiều các khoản đầu tư được kì vọng sẽ chảy vào để đón đầu các cơ hội mới trong lĩnh vực này.
 
Sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong nước
 
Trong những năm gần đây, thị trường M&A tại Việt Nam đã bùng nổ với hàng loạt các thương vụ được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước. Trước đây, các thương vụ M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Đài Loan. Tuy nhiên, thị trường hiện đang chứng kiến sự chuyển hướng sang các công ty trong nước khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A.
 
Trong 10 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư trong nước đã thể hiện sự tham gia mạnh mẽ vào hoạt động M&A với 133 giao dịch đã được thực hiện, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành lần lượt là 30 và 19 giao dịch. Các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ đôla trong tổng giá trị thương vụ cho 10T 2021 và chỉ kém 68 triệu đô la so với mức 1,67 tỷ đô của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần của FE Credit trị giá 1,3 tỷ đô la, các công ty Việt Nam sẽ vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.
 
Khi đi tìm lý do cho xu hướng trỗi dậy của các nhà đầu tư M&A trong nước, có thể thấy Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong ngắn hạn, khiến họ phải áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc đầu tư, khi mà các tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế. Sự hiện diện của các công ty quốc tế trở nên ít hơn vào năm 2020 đã dẫn đến sự sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019 về cả số lượng và giá trị giao dịch đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các công ty mục tiêu tại Việt Nam đang cần được rót vốn và đầu tư cấp bách để tồn tại và phát triển qua đại dịch.
 
Các nhà đầu tư trong nước nắm bắt những cơhội này để mở rộng thị phần, thâm nhập vào các thị trường và ngành mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ chiến lược. Giá trị thương vụ trong nước đã tăng lên 2,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, thể hiện mức tăng trưởng 201% so với năm trước. Sự phục hồi bị cản trở bởi Covid trong quý 2 và 3 năm 2021, điều này đã làm giảm số lượng giao dịch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn chú trọng đến việc đầu tư; giá trị giao dịch do đó duy trì ở mức ổn định với 1,6 tỷ đôla Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2021.
 
Các nhà đầu tư tiêu biểu trong năm 2021
 
Trong những năm gần đây, lĩnh vực M&A tại Việt Nam đang trong giai đoạn phục hưng khi ban lãnh đạo các công ty trong nước đẩy mạnh các nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh với M&A là một trong những chiến lược chính. Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Sữa Việt Nam, Tập đoàn Novaland đang là 5 đơn vị có hoạt động M&A thuộc hàng lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng giao dịch trong hai năm vừa qua.
 
Cụ thể hơn, những tập đoàn lớn đã làm khuấy động thị trường với nhiều thương vụ bom tấn trong vai trò cả là bên mua và bên bán khi họ đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ 248 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 lên 1,21 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước. Bất chấp đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, nhóm này vẫn thể hiện nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư chất lượng. Qua đó, họ đã đóng 11 thương vụ với tổng giá trị lên đến 1,13 tỷ đô la Mỹ trong vòng 10 tháng của năm 2021, chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch trong nước.
 
Quy mô hoạt động của 5 công ty này đã tăng lên đáng kể theo thời gian không chỉ dựa vào năng lực quản trị và khả năng thực thi của đội ngũ lãnh đạo mà còn nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ với chiến lược M&A. Chính vì thế, nhóm này đã đạt được bước phát triển vượt bậc, nâng tầm cả về vốn hóa thị trường lẫn doanh thu, đặc biệt là Tập đoàn Masan, Hòa Phát và Novaland khi những doanh nghiệp này đã hưởng lợi lớn từ các khoản đầu tư chiến lược trong hành trình phát triển của mình.
 
Doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp đôi từ 2,7 tỷ đô la Mỹ vào 2019 tới 5,7 tỷ đô la Mỹ; trong khi đó, vốn hóa thị trường của họ đã tăng gần gấp bốn lần từ 2,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 tới 10,9 tỷ đô la Mỹ tính tới thời điểm tháng 10 của năm 2021. Trong khi đó, Tập đoàn Masan đã thành công trong việc triển khai một hệ sinh thái tiêu dùng được tích hợp và hỗ trợ từ nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập. Vốn hóa thị trường và doanh thu của Tập đoàn Masan đều đạt mức cao nhất lịch sử, lần lượt là 7,7 tỷ đô la Mỹ và 3,8 tỷ đô la Mỹ.
 
Sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì đối với những doanh nghiệp này vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
 
Những thương vụ mang tính đột phá được thực hiện bởi 5 đơn vị doanh nghiệp có hoạt động sôi nổi trong thị trường M&A trong vòng 3 năm gần đây bao gồm sự sáp nhập của chuỗi bán lẻ lớn nhất toàn quốc là VinCommerce vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, thương vụ mua lại 98% cổ phần của Công ty TNHH Đô Thị Đại Học Quốc Tế Berjaya Việt Nam của Vinhomes với mức giá là 514 triệu USD; và thương vụ Sữa Mộc Châu của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bằng cách nâng số lượng cổ phần tại GTNFoods lên từ 32% tới 75% để gián tiếp trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp mục tiêu.
 
Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhờ vào chương trình chống dịch hiệu quả, nhu cầu tiếp tục tăng cao của người dân, cũng như các quy định và chính sách thuận lợi của Chính phủ, các công ty trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A trong tương lai, góp phần tạo ra nhiều tập đoàn trong nước với quy mô và sức mạnh sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực.