VDSC nhận định, năm 2022, tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục gia tăng, thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 36% so với năm trước.
Nội dung được CTCK Rồng Việt (VDSC) đề cập trong bản Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 với chủ đề “Sẵn sàng cho sự phục hồi được chờ đợi từ lâu”.
GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN ĐÃ QUA
VDSC nêu, làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam với GDP quý 3/2021 giảm 6,2% so với cùng kỳ 2020, mức đầu tiên kể từ năm 2000 trên cơ sở tính GDP hành quý.
Tính đến 21/12/2021, khoảng 77,2 triệu liều vaccine đã được tiêm cho khoảng 80% dân số. Mặc dù không tiêu diệt hoàn toàn virus nhưng vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hạn chế số ca bệnh trở nặng. Do đó, việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng đã thúc đẩy việc mở cửa kinh tế và các hoạt động kinh doanh trở lại vào quý 4/2021.
Những đứt gãy trên thị trường lao động và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khiến năng suất trong giai đoạn mở của trở lại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Sản xuất và xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế, ước tăng trưởng lần lượt khoảng 4% và 18% so với cùng kỳ vào năm 2021.
Đại dịch khiến chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh, tăng trưởng doanh số bán lẻ ước tỉnh giảm 8,5% so với cùng kỳ 2021. Ngay cả sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nền nhất như khách sạn, vận tải và giải trí vẫn phải vật lộn để phục hồi khi đối mặt với số ca bệnh và tử vong do COVID gia tăng trở lại.
Các chính sách phản ứng chưa kịp thời và có hiệu quả để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Cho đến nay, quy mô gói hỗ trợ về tài khóa của Việt Nam ước hơn 200.000 tỷ đồng (2,6% GDP), chủ yếu dưới hình thức hoãn thuế và phí. Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm hơn, sự ổn định tài chính vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng như lạm phát thấp, cán cân thanh toán thặng dư được duy trì và tiếp tục củng cố tài khóa (giảm nợ công/GDP).
VDSC tin rằng thời kỳ khó khăn đã qua. Bức tranh chung của năm 2022 là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và lạm phát gia tăng trong bối cảnh yếu tố bất định kéo dài. Năm 2022 sự lạc quan hậu COVID-19 sẽ đi cùng với một số thách thức ngắn hạn.
VDSC dự báo năm 2022 VN-Index dao động trong khoảng 1.340-1.730 điểm
NHÀ ĐẦU TƯ F0 TIẾP TỤC THAM GIA THỊ TRƯỜNG
VDSC cho rằng, lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng thị trường chứng khoán vẫn là kênh được ưa chuộng để thu hút các nhà đầu tư F0.
Lãi suất điều hành theo phân tích vĩ mô của VDSC sẽ không có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy, Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế, trong khi đó NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn và lãi suất để phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy theo nhu cầu. Tiền gửi sẽ được thúc đẩy bởi lưu thông.
Vì vậy, VDSC thấy rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ so với 2021 nhưng vẫn thấp so với năm 2015-2019. Hơn nữa VDSC nhận thấy giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Dó đó, công ty hy vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.
TĂNG NGUỒN MARGIN TỪ PHÁT HÀNH VỐN CỦA CTCK
VDSC đề cập, các công ty chứng khoán đang tăng cường huy động vốn để tăng nguồn cho vay margin. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có thêm nguồn tiền mới chảy vào thị trường.
Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 144.400 tỷ đồng (gấp đôi so với 2020), là mức cao nhất từ trước tới nay. Đồng nghĩa với việc tăng trưởng nguồn cầu cho vay ký quỹ ngày càng tăng, phù hợp với sự gia tăng của các nhà đầu tư F0 và thanh khoản.
SSI, Mirae asset, VND là các công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn mạnh. VDSC kỳ vọng dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng trong 2022, là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiến xa hơn.
VN-INDEX DAO ĐỘNG TRONG KHOẢNG 1.340-1.730
VDSC dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.340-1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS 17% năm 2022 của danh mục cổ phiếu Rồng Việt (đại diện 41% vốn hóa thị trường) và mức PE dự phóng 2022 là 16,4 lần.
Công ty đề cập, mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020-2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. VDSC cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 36% so với năm trước.
Công ty nhận định, thị trường có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh hơn trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện COVID-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).
Những thông tin có thểm xem là tiêu cực gồm: 1) lạm phát, mặc dù VDSC dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì đây vẫn yếu tố cần theo dõi; 2) xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vaccine sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế; 3) các biến động về đại chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Công ty cũng đề cập những rủi ro khó lường từ biến thể Omicron, lo ngại về thời gian và quy mô gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam.
VDSC đưa ra quan điểm không chắc chắn về tác động của Omicron khi số ca tử vong vẫn ở mức thấp nhưng tốc độ lây lan nhanh của biến chủng này so với các biến chủng khác là điểm cần theo dõi, vì vậy quan điểm thận trọng là phù hợp trước những diễn biến khó lường của thị trường trong quá khứ.
Tăng trưởng cung tiền bắt đầu đi xuống ở các nước phát triển trong bối cảnh lạm phát cao có thể tác động đến chính sách của Chính phủ về quy mô và thời gian thi hành gói hỗ trợ kinh tế.
VDSC cũng nêu, sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn của VN-Index. Do đó, trên kịch bản tiêu cực, thị trường sẽ phải đối mặt áp lực lớn hơn nếu lượng nhà đầu tư F0 không mạnh mẽ như năm 2021.