• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
22 Tháng Giêng 2025 5:47:08 CH - Mở cửa
Dự báo sớm lợi nhuận ngân hàng 2022
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán | 07/01/2022 8:05:00 SA
Với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tín dụng ngân hàng tăng mạnh trở lại, nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2022.
 
Nhiều ngân hàng lợi nhuận dự báo tăng không dưới 20%
 
Năm 2022, MSB (mã MSB) đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25% tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng. Chiến lược tập trung chuyển đổi số tiếp tục được MSB đẩy mạnh trong năm 2022 với mục tiêu cải thiện chi phí, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hướng tới mốc 40.000 tỷ đồng năm 2023.
 
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, thương vụ chuyển nhượng Công ty Tài chính Cộng đồng (FCCOM) sẽ mang lại cho Ngân hàng khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng trước thuế, ghi nhận vào tổng lợi nhuận năm 2022. Trước đó, ngày 28/12/2021, HĐQT MSB đã thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn công ty tài chính này cho đối tác nước ngoài. Tính đến hết tháng 10/2021, lãi trước thuế của MSB đạt 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2021 và kỳ vọng lãi trước thuế cả năm khoảng 5.000 tỷ đồng.
 
Với ACB (mã ACB), Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ ACB năm 2022 đạt 11.700 tỷ đồng trước thuế, tăng 25% so với năm 202; ROE 2022 kỳ vọng ở mức 23%, cao hơn so với ROE trung vị ngành là 20%; tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 15%. Mục tiêu lợi nhuận ACB đưa ra cho năm 2021 mức 10.602 tỷ đồng lãi trước thuế và Ngân hàng đã thực hiện được 85% chỉ tiêu sau 9 tháng khi đạt 8.968 tỷ đồng.
 
Tại Techcombank (mã TCB), lợi nhuận trước thuế 2 năm 2021 và 2022 ước đạt tương ứng 23.010 tỷ đồng và 29.357 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 46% và 28%). Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021 của Techcombank ở mức 5.913 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.
 
Tại VIB (mã VIB), ông Hoàng Linh, Phó giám đốc tài chính Ngân hàng cho hay, thu nhập lãi thuần và NIM của VIB sẽ cải thiện ngay trong quý IV/2021 khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Còn lãnh đạo VPBank cho biết, mảng bán lẻ và vay tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại trong quý IV/2021 để đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh năm 2021, cùng với chiến lược chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022 cũng như những năm tới.
 
Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn đưa ra nhận định, nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng phục hồi từ quý IV/2021 tạo tiền đề vững chắc để các ngân hàng trở lại mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
 
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% và có sự điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cũng như hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Bởi khi doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng thì sẽ có dòng tiền trả nợ ngân hàng, qua đó trở lại chu kỳ tuần hoàn và chu chuyển vốn bình thường, phục hồi tăng trưởng vững chắc cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
 
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo ở mức 13-15% trong năm 2022 nhờ cầu tín dụng cải thiện mạnh mẽ. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành.
 
Cũng theo VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng có sự phân hóa rõ nét với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân khi tiếp tục tiết giảm được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% trong năm có thể kể đến là TCB, ACB, MSB, TPBank (mã TPB), MBBank (mã MBB) và BIDV (mã BID).
 
Kỳ vọng thu ngoài lãi
 
Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).
 
Thu nhập phí của ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021, trong đó doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và những năm sau. Trước đó, lãnh đạo ACB cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.
 
Giai đoạn 2021-2022, YSVN dự báo lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền. YSVN đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó, thu nhập ngoài lãi của ACB sẽ tăng 28,4% lên 5.893 tỷ đồng năm 2021 và tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng năm 2022. Do đó, đóng góp từ thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lên mức 27,5% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2022. Cùng với sự ổn định về tỷ lệ chi phí hoạt động, chi phí tín dụng (tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%) và tín dụng khả quan, ACB ước ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 ở mức 10.838 tỷ đồng (tăng 21%) và năm 2022 là 13.894 tỷ đồng (tăng 20,5%).
 
Với VietinBank (mã CTG), Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ giai đoạn 2019-2020, nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên từ quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm. Nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm 2022 có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi các công ty con như công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng sẽ được thực hiện trong năm 2022.
 
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính, VietinBank có thể ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn. Hiện lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VietinBank vẫn duy trì sự khả quan, riêng quý III/2021 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tại HDBank (mã HDB), doanh thu phí đã tăng trở lại trong quý cuối năm 2021, đặc biệt từ hoạt động bancassurance. Theo đó, lợi nhuận năm 2021 và 2022 dự báo đạt lần lượt 7.800 tỷ đồng và 9.400 tỷ đồng (tăng trưởng lần lượt 33% và 21%). Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán SSI, kết quả này có thể chưa bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng độc quyền bancassurance trong năm 2022. Ngoài ra, SSI cho rằng, thương vụ phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi sẽ tiếp tục tạo tâm lý tích cực đối với nhà đầu tư trong thời gian tới.
 
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối VIB cho hay, nhiều ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nới room tín dụng, như VIB là trên 19%. Đây là cơ hội để các ngân hàng này nâng cao tăng trưởng tín dụng và tín dụng tăng sẽ kéo nguồn thu ngoài lãi tăng theo, qua đó phần nào bù đắp cho việc phải tăng trích lập dự phòng.
 
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn đầu tư Dragon Capital nhận định, việc dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế dần hồi phục tạo kỳ vọng tích cực cho hoạt động kinh doanh ngân hàng những tháng cuối năm 2021 cũng như trong năm 2022. Theo ông Tuấn, với triển vọng nới room ngoại và nhu cầu tiêu dùng bùng nổ sau thời gian dài bị dồn nén do dịch, ngân hàng và bán lẻ sẽ là 2 nhóm ngành chủ đạo của năm 2022.