• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 3:44:32 SA - Mở cửa
Trót 'ôm' trái phiếu của doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ, nhà đầu tư nên làm gì?
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 14/10/2022 8:58:54 SA
Sau sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, người dân hiểu rằng, trái phiếu doanh nghiệp không an toàn như gửi tiết kiệm. Vậy nhà đầu tư đang “ôm” trái phiếu doanh nghiệp phải ứng xử ra sao?
 
 
Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong tầm kiểm soát
 
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhìn chung, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hiện nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm đã được giải quyết và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư.
 
Hoạt động phát hành mới giảm sút trong 9 tháng năm 2022 cộng với việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã làm cho số dư trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã giảm đi đáng kể. Điều này khiến rủi ro đến với hệ thống tài chính cũng cơ bản được kiểm soát, mặc dù việc đáo hạn sớm đã tạo ra những xáo trộn trên thị trường trái phiếu và lây sang cả thị trường cổ phiếu.
 
Số dư trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2022 chỉ còn ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng (giảm 200.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021). Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện có số lưu hành là 455.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
 
Nhìn sang Trung Quốc, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của quốc gia này lên tới 8.000 tỷ USD, chiếm 44% GDP, nhưng vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn 2 năm qua.
 
Cắt lỗ trái phiếu hay “hàng đổi hàng”?
 
Bên cạnh đa phần các nhà phát hành vẫn có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu, thì một số doanh nghiệp phát hành đã có dấu hiệu vỡ nợ. Vậy nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu thì nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu nên làm gì?
 
Theo ông Thuân, điều đầu tiên là nhà đầu tư cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không. Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. Với công ty chứng khoán, không phải công ty nào cũng có hể mua lại hết số trái phiếu doanh nghiệp đã phân phối bởi nguồn lực vốn có hạn. Hơn nữa, hầu hết điều khoản hợp đồng mua TPDN hiện nay không bắt buộc công ty chứng khoán có trách nhiệm mua lại.
 
Ngoài ra, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay. Vốn tự có của công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu để phục vụ hoạt động cho vay margin và đầu tư/ tự doanh của chính họ.
 
Do đó, giải pháp bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán không khả thi, kể cả trong trường hợp nhà đầu tư chỉ cần nhận về gốc. Thực tế, cắt lỗ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn cổ phiếu bởi Việt Nam chưa có thị trường giao dịch thứ cấp tập trung.
 
Tài sản đảm bảo cũng là một giải pháp song thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì nó không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.
 
Một giải pháp khác mà thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là “hàng đổi hàng”. Nói cách khác, trái chủ yêu cầu hoặc doanh nghiệp phát hành tự nguyện thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ.
 
Ở Việt Nam, đã có doanh nghiệp bất động sản thực hiện cách làm này. Theo đó, thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự. Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó.
 
Tuy vậy, với giải pháp này, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới. Nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn.
 
Giãn nợ trái phiếu - giải pháp khả thi nhất cho trái chủ
 
Các giải pháp như bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán, xử lý tài sản đảm bảo , hàng đổi hàng… đều khó khả thi với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh hiện nay. Vậy giải pháp khả thi là gì?
 
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, phương án khả thi nhất hiện nay với nhà đầu tư đang “ôm’ trái phiếu hiện nay là phương án thu xếp giãn nợ.
 
Phương án này hiện rất phổ biến ở thị trường trái phiếu Trung Quốc. Theo đó, thay vì ép các doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán mua lại, các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp phát hành để giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.
 
Điều này sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cũng không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu tuỳ theo mức độ rủi ro được đánh giá hoặc thoả thuận lại.
 
Nhìn sang ngành tín dụng ngân hàng thì điều này cũng tương tự như việc tái cơ cấu nợ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã thực hiện nhiều năm qua cho các khách hàng của họ.
 
Do đó, phương án này đòi hỏi các định chế tài chính liên quan bao gồm đơn vị tư vấn, phân phối và đặc biệt là đơn vị đại diện sở hữu trái phiếu hoặc quản lý tài sản thế chấp cần phải có trách nhiệm và chủ động vào cuộc.
 
Quay lại ở Trung Quốc, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu là 1,35% (tính theo giá trị trong tổng số 8.000 tỷ USD, kể từ năm 2018 đến giữa năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp quốc tế của Trung Quốc ghi nhận hơn 142 lô trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ. Với phương thức chuyển đổi và đàm phán giãn nợ như trên thì 46 trái phiếu trong tổng số 142 lô trái phiếu chậm trả lãi và gốc đã được giải quyết êm thấm.
 
Dĩ nhiên, kết quả trên cũng có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước trong việc trấn an nhà đầu tư, bơm thêm vốn giải cứu thị trường bất động sản. Với sự can thiệp của cơ quan quản lý, sự chung tay của trái chủ và nhà đầu tư, các định chế trung gian và chính tổ chức phát hành…thì phần lớn trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc được tự giải giải quyết bởi các thành viên thị trường mà không qua thủ tục tòa án hoặc sự can thiệp của cơ quan quản lý. Tỷ lệ này chiếm tới 76% số trái phiếu vỡ nợ, trong đó có tới 56% số trái phiếu có vấn đề này được gia hạn tiếp mà tổ chức phát hành không phải thanh toán. Việc gia hạn trái phiếu với một tỷ lệ thanh toán gốc nhất định chỉ chiếm 16%.
 
“Nói tóm lại, trái phiếu doanh nghiệp là một vấn đề, nhưng rủi ro đối với hệ thống tài chính tín dụng của Việt Nam là chưa ở mức cao. Không may, nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/ hoặc gốc thì việc chấp nhận "ngồi lại" đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên”, ông Thuân khuyến cáo.
 
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần có được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của tất cả thành vien thị trường và một sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn. Khi đó, vấn đề lùm xùm của trái phiếu doanh nghiệp hiện nay sẽ được giải quyết, hoặc ít nhất là giảm những tác động dây chuyền, hướng đến một giải pháp "win-win” cho tất cả các bên.
 
Thực tế trên thị trường có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nhưng vì người dân xếp hàng đáo hạn theo trào lưu mà có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
 
Còn với các doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ toàn bộ hoặc phá sản thì nhà đầu tư trái phiếu sẽ không có thứ tự ưu tiên thanh toán cao. Sau khi trả thuế, trả nợ lương, trả nợ ngân hàng, trả nợ ưu tiên khác... thì đến lượt trái chủ có lẽ cũng chỉ còn cái "cọng rơm".
 
(Theo Đầu tư)