Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 9/2022 đã có những phản ứng đầu tiên với Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi các doanh nghiệp có sự cầm chừng trong hoạt động phát hành. Đồng thời cũng tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.
Điển hình, trong tháng 9 một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành như Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (
TCD) đã hoãn lô trái phiếu 990 tỷ đồng do phương án phát hành chưa phù hợp với quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, hoạt động mua lại 9 tháng năm nay của khối doanh nghiệp phi ngân hàng cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 75.500 tỷ đồng. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực nợ TPDN đến hạn.
Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng trong tháng 9 tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng 22 đợt phát hành, đạt 10.200 tỷ đồng, chiếm 63% thị trường. (Ảnh minh hoạ: Int)
Theo thống kê, hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng trong tháng 9 tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng 22 đợt phát hành, đạt 10.200 tỷ đồng, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% thị trường. Hoạt động phát hành sụt giảm do phần lớn các ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN (áp dụng từ ngày 01/10/2022).
Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành bất động sản chiếm 18% tỷ trọng phát hành, tương đương tổng giá trị đạt 2.800 tỷ và tăng 55,6% so với tháng trước. Giá trị phát hành lĩnh vực này vẫn ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, song hoạt vẫn trong trạng thái đình trệ.
Các lĩnh vực khác ghi nhận 2 đợt đạt 1.500 tỷ đồng chiếm 11% tỷ trọng phát hành. Cả 2 lô trái phiếu đều thuộc về Công ty CP Tập đoàn Masan, có kỳ hạn 60 tháng.
Lũy kế 9 tháng, thị trường ghi nhận giá trị phát hành đạt 246.320 tỷ đồng, tương đương 35,87% giá trị năm 2021, trong đó 58% giá trị đến từ tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Về loại hình phát hành, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%.
Sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường TPDN tiếp tục đón nhận cú sốc mới từ Vạn Thịnh Phát. Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia rủi ro ảnh hưởng từ TPDN đến với hệ thống tín dụng hiện nay là ở mức rất thấp.
Số liệu cho thấy dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021). Trong đó nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng.
Con số này chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mặt khác, chất lượng tín dụng của lĩnh vực bất động sản có sự phân hóa cao, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang nắm giữ danh mục TPDN phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022.
Theo đánh giá của FiinGroup, đây không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng bởi quy mô còn nhỏ và chất lượng trái phiếu có tính phân hóa và cũng được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng. Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ TPDN đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.
"Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên", các chuyên gia khuyến cáo.
Liên Bộ Tài chính - Xây dựng phối hợp giám sát doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc quản lý giám sát phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Do đó, để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch.
Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp bất động sản sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng, qua đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao.
Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường bất động sản và các rủi ro để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.