• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,90 +0,93/+0,07%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,90   +0,93/+0,07%  |   HNX-INDEX   223,25   +0,16/+0,07%  |   UPCOM-INDEX   92,08   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.301,08   +0,02/+0,00%  |   HNX30   476,12   +1,85/+0,39%
28 Tháng Mười Một 2024 2:05:14 CH - Mở cửa
‘Lênh đênh’ cổ phiếu quốc dân
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 03/11/2022 8:36:06 SA
Kết quả kinh doanh tiêu cực và triển vọng kém lạc quan của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang phản ánh vào giá cổ phiếu của doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư lắc đầu ngao ngán bởi đường “về bờ” ngày một xa, còn các "cá mập" cũng chịu thiệt hại không nhỏ.
 
Những nhịp giảm mạnh từ đầu năm đến nay đã đưa định giá của cổ phiếu HPG xuống dưới giá trị sổ sách với P/B nhỏ hơn 1. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra, bởi các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu, thường có P/B lớn hơn 1.
 
Hiệu ứng “domino”
 
Trong bối cảnh thị trường chung biến động không thuận lợi, cổ phiếu HPG dần “hụt hơi” và trôi về vùng đáy trước, dù khối ngoại vẫn miệt mài đỡ cho đến tận những ngày cuối tháng 9 vừa qua. Diễn biến càng trở nên tệ hơn sau khi nhà đầu tư nước ngoài mất kiên nhẫn và quay đầu bán ra.

 
Tập đoàn Hòa Phát vừa gây “sốc” với mức lỗ lịch sử trong quý III/2022.
 
Thống kê cho thấy, trong tháng 10, khối ngoại đã bán ròng mạnh với giá trị đạt 1.690 tỷ đồng, phần lớn giao dịch thông qua khớp lệnh.
 
Riêng trong phiên 1/11, cổ phiếu HPG đã giảm 4,15% xuống mức 15.000 đồng/cp - mức giá thấp nhất 25 tháng kể từ đầu tháng 10/2020. Không chỉ giảm mạnh, thanh khoản cũng xác lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,4% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Giá trị giao dịch của HPG trong phiên được đẩy lên mức 1.244 tỷ đồng, chiếm gần 12% thanh khoản sàn HoSE. Riêng khối ngoại ghi nhận bán ròng gần 35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 531 tỷ đồng.
 
Như vậy, tính theo giá điều chỉnh, so với mức đỉnh thiết lập vào 28/10/2021 (58.000 đồng/cp), hiện cổ phiếu HPG đã “bốc hơi” khoảng 66% giá trị, vốn hóa theo đó mất gần 168.000 tỷ đồng, xấp xỉ 7 tỷ USD trong vòng một năm, hiện còn 87.200 tỷ đồng (chốt phiên 1/11).
 
Có thể thấy, con số gần 7 tỷ USD mà Hòa Phát để mất trong hơn 12 tháng qua gấp 4 lần vốn hóa của 2 công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất thị trường là Chứng khoán SSI (SSI) và VnDirect (VND) cộng lại, thậm chí tương đương với tổng vốn hóa của 10 ngân hàng thương mại tầm nhỏ và trung như LienVietPostBank (LPB), Oricombank (OCB), ABBBANK (ABB), BAC A BANK (BAB), KienlongBank (KLB), NamABank (NAB), BAOVIET Bank (BVB), SaigonBank (SGB), PG Bank (PGB), VietABank (VAB). Đồng thời, con số này cũng đẩy Hòa Phát ngày càng xa top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt.
 
Cùng với sự lao dốc của cổ phiếu HPG, tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long cũng "bốc hơi" đáng kể. Theo Forbes, tính tới 1/11, tổng tài sản của ông Long chỉ còn 1,2 tỷ USD và đứng thứ 2.182 thế giới. So với đầu năm, lượng tài sản của Chủ tịch Hòa Phát đã giảm 1,8 tỷ USD, thứ bậc xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới cũng tụt 1.231 bậc.
 
Không chỉ vậy, nhiều CTCK cũng như các doanh nghiệp thua lỗ và hiệu suất của các quỹ đầu tư bị kéo thụt lùi bởi danh mục đầu tư có cổ phiếu HPG.
 
Là CTCK nắm giữ cổ phiếu HPG nhiều nhất với giá gốc tại thời điểm 30/9 lên đến gần 200 tỷ đồng dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS), Chứng khoán Trí Việt (TVB) đang phải “gồng lỗ” với HPG với mức âm lên đến gần 91 tỷ đồng, tương đương 46%.
 
Cùng cảnh ngộ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) hiện đang lỗ hơn 30 tỷ đồng với cổ phiếu HPG, tương ứng 37,5% trên giá gốc gần 80 tỷ đồng.
 
Với vị thế cổ phiếu đầu ngành thép cùng quy mô vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu lưu hành và trôi nổi tự do thuộc hàng khủng nhất nhì sàn chứng khoán, không bất ngờ khi HPG thường xuyên nằm trong danh mục của hầu hết các quỹ ngoại tên tuổi trên thị trường.
 
Do đó, việc nhiều quỹ ghi nhận hiệu suất “tệ” khi nắm giữ HPG là điều khó có thể tránh khỏi. Có thể kể đến một số cái tên như VEIL Dragon Capital, VOF VinaCapital, Ballad Fund…
 
Tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp thời gian vừa qua cũng được mang vào thị trường chứng khoán đầu tư và ghi nhận lỗ khi “bắt đáy” cổ phiếu HPG. Chẳng hạn như CTCP Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai), CTCP Đầu tư CMC (CMC), CTCP LICOGI 14 (L14), CTCP đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN)…
 
Khó khăn bủa vây "vua thép"
 
Nhìn chung, nhiều khả năng những con số nêu trên sẽ còn lớn hơn nữa khi cổ phiếu HPG vẫn trong tình trạng miệt mài dò đáy, nhất là khi Tập đoàn Hòa Phát vừa gây “sốc” với mức lỗ lịch sử trong quý III/2022, dù trước đó Chủ tịch Trần Đình Long đã dự báo trước tình hình và thẳng thắn chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 4. Đây là lần thứ 2, tập đoàn thép đầu ngành báo lỗ kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay.
 
Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 4.478 tỷ đồng, tương ứng giảm 12% so với cùng kỳ là 38.918 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là âm 1.786 tỷ đồng, giảm 12.137 tỷ đồng tương ứng giảm 117% so với cùng kỳ năm trước (10.350 tỷ đồng).
 
Thực tế, 2022 có thể nói là một năm dồn dập khó khăn với ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng, trong đó quý III ngấm chịu hệ quả của các tác động tiêu cực từ thị trường do những biến động vĩ mô trên toàn cầu như chiến tranh, suy thoái kinh tế sau COVID-19 và lạm phát vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ.
 
Than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. Trong khi giá quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng năm 2022. Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới đã làm dấy lên lo ngại thái quá về thiếu hụt nguồn cung dẫn đến cú sốc về giá than lên cả phần còn lại thị trường.
 
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy dòng chảy cung ứng cũ và việc thiếu chu trình vận tải cho các cung đường mới làm tăng chi phí vận chuyển khiến giá nguyên liệu nhập khẩu càng cao hơn. Giá than đã tăng gấp 3 mức bình thường trong 2 lần đạt đỉnh vào tháng 3/2022 và tháng 5/2022 và chỉ được triệt tiêu một phần từ giá quặng giảm.
 
Mặc dù hiện tại giá than đã hạ nhiệt, nhưng với vòng quay hàng tồn kho thông thường khoảng 3 tháng, giá thành sản xuất thép quý III/2022 phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II/2022.
 
Cùng với đó, giá thép giảm trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn cao gây áp lực lên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Hiện tại, giá thép xây dựng của Hòa Phát tại thị trường nội địa đã tăng trong thời gian gần đây nhưng mức tăng giá cũng chỉ nhỏ giọt chỉ từ 100 – 200 đồng/kg mỗi lần phần nào cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tăng chậm.
 
Nguyên nhân được cho là lạm phát và suy thoái kinh tế làm yếu đi cầu thép thế giới. Cầu và giá thép nội địa cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng của ngành này bị siết chặt cũng góp phần khiến tiêu thụ thép giảm mạnh.
 
Hơn nữa, mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng cũng là yếu tố gây bất lợi khi cơ cấu tài chính của Hòa Phát ghi nhận nợ vay chiếm tỷ trọng lớn, nhất là trong bối cảnh dự án Dung Quất 2 bước vào giai đoạn đầu tư cần nguồn vốn khổng lồ.
 
Đồng thời, Hoà Phát còn chịu thêm nỗi lo tỷ giá leo thang. Riêng trong quý III, tổng lỗ chênh lệch tỷ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ đồng. Trước đó, trong quý II, doanh nghiệp cũng ghi nhận lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.
 
Theo SSI Research, nhu cầu thép trong nước sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi áp lực lạm phát và việc kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản. Tiêu thụ thép tấm cuộn cán nóng (HRC) cũng sẽ gặp thách thức do các nhà sản xuất tôn mạ đang giảm số dư hàng tồn kho trong bối cảnh giá giảm và nhu cầu chậm lại ở cả kênh nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, lợi nhuận của Hòa Phát trong các quý tới có thể sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
 
“Mặc dù hoạt động đầu tư công và giải ngân vốn FDI sẽ được tăng tốc trong giai đoạn 2022-2023, tuy nhiên tổng nhu cầu thép trong nước vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023”, SSI Research dự báo.