Theo BSC, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp cải thiện một phần tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần của Việt Nam.
Sau hơn hai năm thực thi chính sách zero-COVID, phong tỏa nhiều thành phố lớn để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, cuối cùng đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cho thấy những động thái về khả năng tái mở cửa trở lại nền kinh tế qua nhiều phát biểu tích cực của giới chức nước này thời gian gần đây. Theo Chứng khoán BSC, với tư cách là quốc gia nhập khẩu hàng đầu của nước ta, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam.
Cải thiện tình trạng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc
Theo đó, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam trong công đoạn Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp cải thiện một phần tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần của Việt Nam.
Xét trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam duy trì mức nhập siêu lớn với giá trị ngày càng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình là 17,5% trong khi xuất khẩu chỉ tăng trưởng 12,3%. Nguyên nhân của hiện tượng này là do xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2022 là hai giai đoạn chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Trung Quốc - Việt Nam suy giảm rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu tăng trưởng 15,1% và nhập khẩu tăng trưởng 4,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này vào 9 tháng đầu 2022 lần lượt là 6,2% và 12,1%. Nguyên nhân chủ yếu là do đây là hai năm Trung Quốc thực hiện chính sách zero-COVID và đóng cửa biên giới. Chính sách này đã hạn chế lượng hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai giai đoạn này.
Vì vậy, khi Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc cải thiện hơn trong 2 tháng cuối năm 2022 và sang tới năm 2023.
Gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành
Trong suốt giai đoạn năm 2015-2021, người Trung Quốc chiếm trung bình 29,5% trong cấu phần lượng khách du lịch sang Việt Nam hàng năm. Kể cả trong giai đoạn 2 năm COVID-19, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm cấu phần lớn, lần lượt là 34,1% và 43,5% trong hai năm 2020 - 2021. Các con số này cho thấy Trung Quốc đóng góp một phần khá lớn vào hoạt động kinh ngành nghề du lịch và ăn uống tại Việt Nam.
Xét trên giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, với chính sách đóng cửa của biên giới của Trung Quốc, số lượng khách du lịch suy yếu và giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 3% trong tổng số lượng khách du lịch đến Việt Nam, trong khi tỷ lệ này trung bình đạt gần 30% trong giai đoạn 2015- 2021.
Về giá trị lũy kế của ngành dịch vụ, mặc dù giá trị mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống đã hồi phục gần như trở lại giai đoạn trước COVID-19 nhưng dịch vụ lữ hành vẫn còn cách một khoảng khá xa. Theo đó, lũy kế ngành dịch vụ lưu trú ăn uống 9 tháng đầu năm 2022 đạt 431.000 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ), khá sát với con số của năm 2019. Tuy nhiên, lũy kế ngành dịch vụ lữ hành chỉ đạt 18.000 tỷ đồng dù đạt mức tăng trưởng mạnh là 295% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp của năm ngoái. Như vậy, mặc dù có kết quả tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành dịch vụ lữ hành vẫn chưa thể hồi phục trở lại mức 2019 là 34.000 tỷ đồng. BSC kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sẽ giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2022 và 2023.
Nhóm dịch vụ lữ hành vẫn chưa thể hồi phục trở lại mức trước COVID
BSC cũng chỉ ra một số nhóm ngành có thể hưởng lợi tích cực từ động thái tái mở cửa của Trung Quốc.
Đầu tiên là nhóm ngành tiêu dùng, lương thực và chăn nuôi. Sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành tiêu dùng, lượng thực và chăn nuôi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi vấn đề tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc được giải quyết. Ngoài ra, các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể khi nhu cầu phục hồi, đặc biệt là nhóm xuất khẩu lúa gạo khi đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 tại Việt Nam với 14% thị phần về giá trị trong 9 tháng đầu năm 2022.
Thứ hai là ngành hàng không. Trong trường hợp Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi bởi Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Theo BSC thống kê, sản lượng khách du kịch đến từ Trung Quốc hiện chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước dịch.
Thứ ba là nhóm doanh nghiệp thủy sản. BSC cho rằng việc mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài theo đuổi chính sách zero–COVID sẽ có tác động tích cực đối với ngành cá tra của Việt Nam. Nguyên nhân do Trung Quốc luôn thuộc nhóm thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất và việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần ba năm dịch khiến nhu cầu bị kiềm nén trong khi tồn kho ở mức thấp. Do đó, BSC kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao giúp cả ngành cá tra tăng trưởng.