Năm 2022, nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đã có những sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhiều đơn hàng đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh T.L
Chinh phục thị trường khó tính
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, với kết quả 101,58 tỷ USD sau 11 tháng năm 2022, TPHCM bỏ xa các địa phương khác trong nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cục Hải quan TPHCM cho biết ước tính hết tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021, tổng nguồn thu khoảng 138.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, TPHCM tăng cường gọi mời gọi đối tác quốc tế tham gia các hội chợ ngành hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn, tổ chức các đoàn giao thương khảo sát, gặp gỡ một số nhà nhập khẩu trong khu vực ASEAN để kết nối mở rộng thị trường cho nông sản Việt. Tới đây, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường châu Á, nhất là các thị trường xuất khẩu tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Sau 11 tháng năm 2022, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) với kết quả đạt 101,58 tỷ USD. Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, chỉ số sản xuất 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố (hóa dược - cao su - nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí và sản xuất hàng điện tử) có mức tăng 19,92% so cùng kỳ, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp TPHCM.
Trong đó, riêng ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, chỉ số sản xuất ước tăng 28,2% trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 14,2%. Nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đã có những sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhiều đơn hàng đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính.
Ông Trương Chí Cương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) cho biết, sau một thời gian thăm dò thị trường trong nước, giữa năm 2022, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu trứng lỏng thanh trùng đông lạnh đầu tiên xuất sang Hàn Quốc. Đây là một trong những sản phẩm tiềm năng, dự kiến trở thành nhóm sản phẩm tăng trưởng tốt nhất của Vfood.
Tương tự, ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) cho biết, doanh nghiệp cũng đã có những lô sản phẩm gia vị cũng lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Indonesia và Brunei, trở thành bước đệm để doanh nghiệp tiếp cận thị trường người Hồi giáo.
Hiện một số đối tác từ các nước hồi giáo đang mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp nhãn hàng theo tiêu chuẩn cho cộng đồng mình. Điều này đã mở ra cơ hội chinh phục thị trường cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới cho doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng
Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi cho biết, những năm gần đây ngành thực phẩm tăng trưởng mạnh, cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, có nhiều loại thực phẩm không những thay thế hàng nhập khẩu mà còn xuất đi nhiều nước. Nhất là sau đại dịch Covid-19, toàn cầu rất cần những nhóm hàng chế biến sẵn của lương thực như mì, nui, gạo và một số thực phẩm chế biến làm sẵn. Chưa bao giờ ngành chế biến lương thực thực phẩm TPHCM nhận được nhiều đơn hàng thực phẩm như hiện nay.
Tuy nhiên, ngành và doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng đang đối mặt với những khó khăn. Việc các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… cần thiết đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, việc các nước đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin này rất chậm. Điều này đã dẫn đến một số thực phẩm Việt Nam ở một số thị trường gần đây đã gặp khó vì sử dụng các hóa chất cấm trong ngành chế biến.
Để hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng các sở, ban ngành TPHCM triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, thông qua các sự kiện được tổ chức định kỳ hàng năm và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, như triển lãm quốc tế chuyên ngành, tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, ngày hội giao thương. Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đang tăng cường tổ chức những sự kiện liên kết doanh nghiệp hội viên với đối tác, nhà phân phối đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Australia... Theo đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hiểu biết các tiêu chuẩn về sản phẩm ở nước bạn, nhu cầu thực tế, tiến tới hợp tác kinh doanh, đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính.