Nhóm cổ phiếu dược phẩm tiếp tục được dự báo sẽ có cơ hội tăng giá tích cực và là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.
Cổ phiếu dược phẩm từ lâu được xem là nhóm cổ phiếu an toàn cao bởi tính đặc thù, ổn định. Trong năm 2021, một phần dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu này khi giới đầu tư tin rằng đây là số ít các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có cơ hội tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Thậm chí, nhiều cổ phiếu nhóm này còn nổi sóng sau khi Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vaccine COVID-19 vào đầu tháng 6/2021.
Đvt: Đồng/CP
Dù sau đó nhóm này đã hạ nhiệt, song nhìn chung, trong 1 năm trở lại đây (từ phiên 8/2/2021 – 8/2/2022), phần lớn các mã cổ phiếu ngành dược đều tăng trưởng. Điển hình như
DP1 tăng 76% từ 14.300 đồng/CP lên 25.100 đồng/CP,
DDN tăng 71% lên 18.600 đồng/CP phiên 8/2/2022. Nhiều mã khác cùng nhóm cũng ghi nhận đà tăng trên 30% như
CDP (+47%),
DCL (+43%),
IMP (+42%),
TRA (+41%),
DVN (+32%),…Ở chiều ngược lại, số ít cổ phiếu khác ghi nhận sự suy giảm như
DHT (-18%),
OPC (-7%),
DNM (-3%),…
Thực trạng kinh doanh trong năm 2021 của các doanh nghiệp dược phẩm cũng có phần đối lập, nơi vẫn ghi nhận lãi ròng tăng trưởng, chỗ khác lại sụt giảm mạnh với lý do đại dịch.
Đơn cử, CTCP Traphaco (
TRA) trong năm 2021 đạt 2.176 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 266 tỷ đồng, tăng 23%. Năm 2021, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020. Như vậy, công ty đã hoàn thành 103% kế hoạch doanh thu và 110% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Đvt: Tỷ đồng
Trong năm qua, Dược phẩm trung ương I - Pharbaco (
PBC) cũng là cái tên đáng chú ý khi doanh thu thuần đạt 941 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 4,4 lần lên mức 29 tỷ đồng. Năm 2021, Pharbaco đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, công ty đã hoàn thành 94% chỉ tiêu doanh thu và vượt 19 tỷ đồng so với chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tương tự, Dược phẩm trung ương CPC1 (
DP1) cũng ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu đạt 2.182 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 6% và 11% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí phát sinh do việc áp dụng các biện pháp 3 tại chỗ và những chi phí khác liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đã khiến lãi ròng quý 4/2021 của CTCP Dược Hậu Giang (
DHG) giảm gần 19% so với cùng kỳ. Dù vậy luỹ kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn đạt 776 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020 và vượt 5,2% kế hoạch lợi nhuận trong năm. Ngoài ra mới đây HĐQT
DHG vừa đặt ra kế hoạch năm 2022 với 4.220 tỷ đồng doanh thu thuần và 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mức kế hoạch này còn cao hơn lần lượt 6% và 4% so với mức kế hoạch của năm 2021.
Hướng ngược lại, dù là thương hiệu có tiếng trên thị trường, song Dược phẩm Imexpharm (
IMP) lại ghi nhận lợi nhuận 189 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2020 do chi phí bán hàng ở mức cao. Tương tự, chi phí tài chính tăng mạnh cũng gây áp lực lên kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Y tế Danameco (
DNM). Cụ thể, luỹ kế cả năm 2021,
DNM đạt 547 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 22% so với cùng kỳ còn lãi ròng đạt hơn 30 tỷ đồng giảm 19% so với năm 2020. Hay như với
VMD, việc doanh thu bán hàng giảm mạnh đã khiến khoản lãi trong năm qua của công ty này chỉ ở mức 19,3 tỷ đồng, sụt giảm đến 48% so với năm 2020.
Triển vọng cổ phiếu
Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích CTCP Chứng khoán SSI đã đánh giá khá cao tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành dược trên sàn chứng khoán trong năm 2022.
Theo đó, SSI Research kỳ vọng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022 và chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Từ đó dự báo lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe có thể tăng trưởng mạnh trong năm này với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng nhẹ.
Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4 - 6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế. Trong đó, nhóm các công ty dược phẩm có thể ghi nhận tăng trưởng cao trong cả năm 2022 trong khi nhóm bệnh viện sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm.
“Đối với các công ty dược phẩm, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới, trong khi nhóm các bệnh viện phải chờ sự phục hồi trong nửa cuối năm 2022, khi Việt Nam đối phó được với biến thể mới, đồng thời cũng nới lỏng hẳn các hạn chế đi lại”, SSI Research lưu ý.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo ở mức tốt trong năm 2022, SSI Research cho rằng cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty dược phẩm/bệnh viện tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.