Kết quả khảo 4,446 CEO toàn cầu đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới của PwC cho thấy, mức độ lạc quan của các CEO đang ở mức cao nhất 10 năm qua.
Bất chấp hàng loạt những thách thức, các CEO trong khu vực tham gia khảo sát vẫn thể hiện mức độ lạc quan cao nhất trong mười năm qua về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới. 76% kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, trong khi chỉ 17% cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.
Mức độ lạc quan này tăng nhẹ so với năm ngoái (ở mức 73%) và đã tăng đáng kể so với năm 2020, năm ghi nhận gần một nửa (48%) CEO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự đoán nền kinh tế sẽ suy yếu. Đây là một trong những phát hiện quan trọng của Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC, với sự tham gia của 4,446 CEO toàn cầu đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 1,618 CEO thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khảo sát diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2021.
Mức độ lạc quan đang có xu hướng tăng cao ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương – trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Singapore là các nước có mức lạc quan cao nhất, với khoảng 90% CEO kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm tiếp theo.
Niềm tin vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã nâng cao mức độ lạc quan của các CEO Châu Á - Thái Bình Dương dành cho doanh nghiệp của họ: 50% CEO ‘rất tự tin’ hoặc ‘cực kỳ tự tin’ vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới.
Về Việt Nam, chuyên gia của PwC kỳ vọng, GDP của Việt Nam sẽ quay lại mức tăng trưởng 6% - 6,5%, phần lớn là do sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường.
“Tại Việt Nam, chính sách “Chung sống an toàn với COVID-19” đã tạo ra một chiến dịch tiêm chủng thần tốc, cho phép đất nước tiếp tục hoạt động kinh doanh trở lại vào cuối năm 2021. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở lại mức 6% - 6,5%, một phần là do sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua việc hình thành một thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á”, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn chiến lược /Tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam nhận định.
Lo lắng về rủi ro y tế, môi trường, doanh nghiệp vẫn đặt nặng chỉ số kinh doanh
Khảo sát của PwC cho thấy, dù rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng các CEO cũng nhận thức rõ được các mối đe dọa tiềm ẩn có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong 12 tháng tới.
Các CEO Châu Á - Thái Bình Dương (58%) cho rằng rủi ro y tế, sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu, cao hơn 10% so với các CEO toàn cầu (các CEO toàn cầu lại coi rủi ro an ninh mạng là điều cấp bách nhất). Đồng thời, những vấn đề không kém phần quan trọng đối với các CEO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể kể đến: rủi ro an ninh mạng (44%) và biến động kinh tế vĩ mô (43%).
Ở Việt Nam, các rủi ro về y tế, sức khỏe cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối với các CEO. Sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm nhanh chóng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thêm lo lắng về đại dịch. Bên cạnh đó, rủi ro an ninh mạng, đặc biệt là rủi ro từ bên thứ ba thường khó nhận ra bởi sự phức tạp của các mối quan hệ kinh doanh giữa các công ty và mạng lưới các nhà cung cấp của họ, đang đặt ra các mối đe dọa cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nhận xét: “Báo cáo đầu tiên dành cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương này đặc biệt nhấn mạnh những thách thức mà các nhà điều hành cấp cao trong khu vực đang phải đối mặt. Việc sử dụng các yếu tố kinh tế cơ bản để tạo tăng trưởng kinh doanh vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được đà tăng trưởng bền vững về môi trường và xã hội, Việt Nam cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm tạo nên kết quả bền vững cho tất cả mọi người. Đây là cũng là một phần trong chiến lược của PwC - “Hệ Cân bằng Mới” (tên gốc: The New Equation).
Hiện các CEO Châu Á - Thái Bình Dương đang đi trước các CEO toàn cầu về các cam kết phát thải ròng bằng 0 và trung hòa carbon: khoảng 60-69% CEO trong khu vực đã hoặc đang tiến tới thực hiện các cam kết trên – con số này cao hơn khoảng 9-13% so với mức được ghi nhận của các CEO toàn cầu. Ngoài những CEO đã thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, số lượng các CEO Châu Á - Thái Bình Dương đã có các phương pháp tiếp cận được đánh giá và phê chuẩn một cách độc lập cũng cao hơn 11% so với các CEO toàn cầu (77% so với 66%). Tỷ lệ các CEO Châu Á - Thái Bình Dương đã đưa các mục tiêu phát thải này vào chiến lược doanh nghiệp cũng cao hơn (43% so với 37% các CEO toàn cầu).
Mặc dù biến đổi khí hậu, các kết quả phi tài chính cũng như ESG đang ngày càng được coi trọng hơn nhưng chiến lược doanh nghiệp vẫn chủ yếu được xây dựng dựa trên các chỉ số kinh doanh như sự hài lòng của khách hàng, của nhân viên và các mục tiêu tự động hóa, số hóa. Các mục tiêu liên quan đến phát thải khí nhà kính (GHG), cân bằng giới tính và đa dạng sắc tộc ít được nhắc đến hơn: chỉ 19% các CEO Châu Á - Thái Bình Dương thêm các mục tiêu kể trên vào kế hoạch lương thưởng hàng năm hoặc dài hạn của công ty.