Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20-30% trong năm nay, chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, cho vay bất động sản…
Kinh tế phục hồi, ngân hàng hưởng lợi
Triển vọng GDP năm nay tăng trưởng 6-7%, độ phủ vắc-xin ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp cấp room tín dụng, gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng cùng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sắp được triển khai… đang là những thông tin tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022.
“Tất nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm…, song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay. Ngoài tín dụng phục hồi, thì tăng trưởng của ngành còn đến từ thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chi phí”, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank nhận định.
Dù chưa đưa ra kế hoạch tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, song lãnh đạo VPBank cho hay, Ngân hàng đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới của Ngân hàng có thể lên đến 30-35%.
Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng
"Dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam chưa cao
- Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB
Hiện nay, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam, như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng, hiện cũng chưa cao. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh và sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong dân số, hứa hẹn mang đến cơ hội rất lớn cho mảng bán lẻ, thúc đẩy nhu cầu nhà ở, tiêu dùng thời gian tới."
Tương tự, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB tin tưởng, Việt Nam sẽ là một trong những nước có mức độ phục hồi cao nhất khu vực, với GDP ước tính đạt 6,0-6,5% nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và các chính sách kinh tế vĩ mô điều tiết phù hợp. VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới là trên 30%/năm.
Cùng lạc quan về lợi nhuận ngân hàng năm 2022, song một số chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Những ngân hàng có lợi thế về room tín dụng, có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, độ bao phủ nợ xấu lớn, có mô hình hoạt động năng động, hệ sinh thái số rộng lớn… sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, những ngân hàng có nợ xấu lớn, mô hình kinh doanh chậm thay đổi… sẽ đứng trước nguy cơ thụt lùi.
Bán lẻ, cho vay bất động sản sẽ giúp ngân hàng sống khỏe
Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ. Đây cũng là “trận địa” mà các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt. Thẻ, cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm… đang được các ngân hàng chạy đua cạnh tranh ráo riết.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ. Theo đó, ngoài tăng trưởng tín dụng, VIB còn tập trung vào mục tiêu cải thiện tỷ lệ CASA, tăng thị phần bảo hiểm… “Bức tranh kinh tế năm nay sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp có nền tảng tốt khẳng định vị thế dẫn đầu”, bà Hương nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo VPBank (ngân hàng bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi Covid-19) cũng lạc quan cho rằng, năm 2022, tất cả phân khúc chiến lược của ngân hàng này sẽ quay lại đường ray tăng trưởng, như tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đặc biệt, trong bán lẻ, mảng cho vay bất động sản ngày càng được nhiều ngân hàng coi trọng. Dù NHNN chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản, song lại khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống.
“Trong tín dụng bán lẻ, chúng tôi xác định cho vay mua nhà là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Tuy nhiên, chúng tôi thực hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục, không lệ thuộc vào một doanh nghiệp nào, loại hình nào hay địa bàn nào để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên tục rà soát để đảm bảo quản trị tốt rủi ro tín dụng bất động sản”, đại diện VPBank cho biết.
Theo đánh giá của Dragon Capital, mảng ngân hàng bán lẻ Việt Nam ngày càng được chú trọng do ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn nhiều dư địa phát triển. Mặt khác, việc dịch chuyển sang bán lẻ cũng sẽ nâng cao biên lợi nhuận và mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho ngân hàng.