• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:18:30 CH - Mở cửa
Tỷ phú đô la và giấc mơ thương hiệu Việt
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 02/02/2022 2:30:00 CH
Tin vui những ngày cuối năm 2021, khi đất nước đang gắng vực dậy kinh tế trong đại dịch COVID-19, thì lần đầu tiên một thương hiệu xe Việt xuất hiện ở thị trường quốc tế. Có thể coi đây là giấc mơ Việt được không? Khi từng là nước nông nghiệp lạc hậu, nay đã có mặt trên bản đồ công nghiệp thế giới?
 
Vào ngày 18/11/2021, từ sân khấu danh giá số 1 hành tinh của LA Auto Show, bang California, Mỹ, bộ đôi xe điện hoàn toàn mới VF e35, VF e36 của VinFast chính thức đua tài cùng rất nhiều mẫu xe nổi tiếng của các thương hiệu hàng đầu thế giới.
 
Không đơn thuần là phương tiện, những chiếc ô tô điện VinFast còn thể hiện nỗ lực chinh phục đỉnh cao trong ngành công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ người Việt, hiện thực hóa khát vọng làm ra những sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế của người Việt Nam.
 
Ông chủ của VinFast không còn xa lạ gì. Đó là Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, hiện là một trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam, được coi là người giàu nhất nước ta. Ông có số tài sản trị giá 7,3 tỷ USD, xếp vị trí 344 của thế giới.
 
Cùng với Phạm Nhật Vượng, hồi tháng 4/2021, Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách hơn 2700 tỷ phú đô la giàu nhất thế giới. Trong danh sách tỷ phú toàn cầu, Việt Nam có 6 người góp mặt, nhiều hơn 2 người so với năm 2020. Tiếp sau Phạm Nhật Vượng là các gương mặt đáng nể: CEO Hãng hàng không VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo, với tài sản 2,8 tỷ USD, cao hơn mức 2,1 tỷ USD của năm ngoái; Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: 2,2 tỷ USD; Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO: 1,6 tỷ USD; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: 1,6 tỷ USD); Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: 1,2 tỷ USD.
 
Hiện tại là 6 tỷ phú. Năm 2022 tới, sẽ có thêm những đại gia nào bổ sung vào danh sách những người hùng thế giới? Đã thấy thấp thoáng 5 ứng cử viên tương lai. Họ đang sở hữu khối tài sản lớn từ 0,93 đến 1,21 tỷ USD. Không phải là những lời đồn đoán thiếu căn cứ. Không phải là những báo cáo kinh tế từ trong nước mà là nguồn tin nước ngoài.
 
Các doanh nhân Việt Nam làm ăn khá giả, có tổng tài sản lớn ngày càng nhiều lên. Vẫn biết so với các tỷ phú top 10 thế giới có khối tài sản hàng trăm tỷ đô la thì tỷ phú Việt Nam còn “khiêm tốn”. Nhưng nếu so với quãng 15-20 năm trước đây thì chúng ta đã có những bước tiến kỳ diệu.
 
Đỉnh núi cao phải được tôn bồi bởi những dãy núi lớn. Không có những doanh nghiệp lớn làm ăn phát đạt thì không thể có tỷ phú lớn. Hiện tại, nước ta đã có hơn 800.000 doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh.
 
Đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hơn 5 triệu người. Sự tích lũy về lượng gắn liền với những biến đổi về chất. Những tỉ phú được Forbes công bố năm 2021 đều là những gương mặt ấn tượng trên thương trường. Đáng chú ý là các đại gia Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang đã trở lại Top tỷ phú thế giới sau một năm bị rớt khỏi danh sách. Cũng rất đáng ghi nhận là “Bông hồng quyền lực” Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện nữ duy nhất trong các nhà tỷ phú Việt Nam.
 
Trong niềm vui khi danh sách tỷ phú Việt ngày mỗi dài thêm, điều chúng ta tự tin hơn, là đã xua tan mặc cảm đại gia Việt Nam chỉ giàu lên, có được tài sản lớn là nhờ kinh doanh bất động sản, được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đất, tích tụ vốn chưa đúng với cạnh tranh nguyên lý thị trường.
 
Trong số các tỷ phú hiện tại và các ứng viên tương lai, có thể thấy ngành nghề kinh doanh khá đa dạng, trong đó có ngành ô tô còn khá mới mẻ và có những ngành bắt đầu từ... “cái dạ dày”. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, người nổi tiếng với triết lý Keep Going. Triết lý thành công của đại gia này là “Đói bụng đầu gối phải bò”. Từ đó, ông Quang trở thành ông trùm hàng tiêu dùng Việt Nam.
 
Một đại gia trong ngành ngân hàng là Hồ Hùng Anh. Forbes công bố ông có khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD. Thực tế tính đến 15/11/2021, khối tài sản của Chủ tịch Techcombank là 39.577 tỷ đồng, tương đương 1,76 tỷ USD.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đem lại rủi ro nợ xấu khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải ngừng trệ, nhóm ngành ngân hàng vẫn được xem là có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao. Không chỉ có cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng liên tục tăng mạnh. Và tỷ phú đang lên của ngành ngân hàng đã nắm bắt được thời cơ ấy.
 
Trong niềm vui tỷ phú Việt Nam, ngày xuân Nhâm Dần này, chúng ta cũng còn những băn khoăn. Rằng, cùng việc tăng về lượng, cần chú ý tăng về chất. Nước ta là nước nông nghiệp, cần có nhiều hơn những vua gạo, vua trái cây, vua hải sản, cùng các loại vua nông sản khác. Muốn có những “ông vua” ấy cần phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
 
Bởi hiện tại, so với các nước phát triển ở gần ta như Singapore, Hongkong, Malaysia... thì tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số ở nước ta còn quá thấp (9 doanh nghiệp/triệu dân). Cùng với phát triển doanh nghiệp, cần chú trọng xây dựng các thương hiệu mạnh.
 
Chỉ bằng con đường ấy, con đường tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chủ đạo chiếm lĩnh thị trường thế giới, chúng ta mới tạo ra được việc làm bền vững, GDP bền vững.
 
Tháng 5/2021, chỉ hai tháng sau khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới, trật tự ấy đã thay đổi. Với khối tài sản trị giá 186,3 tỷ USD, doanh nhân Bernard Arnault, ông trùm hàng hiệu nổi tiếng toàn cầu của tập đoàn LVMH, đã đánh bật ngôi đầu của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Ông B. Arnault trở thành bá chủ.
 
Người dân Pháp tự hào nói rằng: “Ở Pháp, mọi nẻo đường đều dẫn tới Bernard Arnault” . Mặc cho đại dịch COVID-19 tàn phá thế giới, chuỗi các thương hiệu xa xỉ của tập đoàn LVMH như Fendi, Christian Dior hay Givenchy vẫn thắng đậm trên thị trường, nhờ vào sự sôi động của thị trường Trung Quốc.
 
Như vậy, trật tự trong thế giới đa cực ngày nay sẽ liên tục có những biến động lớn. Nhưng khát vọng giống nhau giữa các quốc gia là khát vọng về sự thịnh vượng. Có điều thịnh vượng không bao giờ chỉ căn cứ trên sự giàu có về vật chất.
 
Theo Jeremy Lent, một nhà nghiên cứu người Mỹ, nếu chúng ta có thể thay đổi nền tảng của nền văn minh toàn cầu từ một nền tảng dựa trên sự giàu có sang một nền tảng dựa trên thái độ trân trọng sự sống, thì chúng ta có nhiều hơn những cơ hội tạo ra tương lai tươi sáng cho nhân loại và cho trái đất.
 
Việt Nam chúng ta luôn coi trọng phát triển kinh tế bền vững, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta có quyền hi vọng ở sự sắp xếp mới trên “bản đồ” tỷ phú Việt cả trong nước và trên thế giới. Miễn là, phải thay đổi. Kẻ đi sau phải biết đứng trên vai những người khổng lồ.