Các thị trường tài chính lớn như Mỹ và châu Âu có phiên trái chiều trong phiên ngày thứ Sáu và nhìn chung có tuần giao dịch khá gập ghềnh do tâm lý giới đầu tư vẫn rất bất an bởi xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Phố Wall sụt giảm trong phiên ngày thứ Sáu (11/3) khi cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng mất điểm trên diện rộng, trong khi sự chú ý chuyển sang cuộc họp chính sách của Fed.
Các chỉ số chính đã mở cửa nhích lên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã có "những chuyển biến tích cực nhất định" trong các cuộc đàm phán với Ukraine, nhưng chứng khoán sau đó giảm dần trong phiên, khi giới đầu tư không đặt niềm tin cao vào bình luận của ông Putin.
Tất cả 11 phân ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm, trong đó, dịch vụ truyền thông giảm 1,9% và công nghệ giảm 1,8%.
Sự sụt giảm cổ phiếu của các công ty tăng trưởng như Apple giảm 2,4% và Tesla giảm 5,1% đã tác động xấu nhất đến S&P 500.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu của Meta Platforms (Facebook) giảm 3,9%, khi Nga mở một vụ án hình sự sau khi mạng xã hội này thay đổi các quy tắc về ngôn từ kích động thù địch để cho phép người dùng kêu gọi "tử chiến với những kẻ xâm lược Nga" trong bối cảnh xung đột với Ukraina.
Các cổ phiếu tăng trưởng cũng chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động ở mức cao gần 2%.
Chứng khoán đã gặp khó khăn trong năm nay do lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã làm gia tăng tình trạng bán tháo, được thúc đẩy bởi lo ngại về lợi suất trái phiếu cao hơn do Fed dự kiến sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay để chống lạm phát.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp thường niên trong hai ngày 15 và 16/3 tới đây.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 2%, S&P 500 giảm 2,9%, còn Nasdaq trượt dốc 3,5%.
Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 229,88 điểm (-0,69%), xuống 32.944,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 55,21 điểm (-1,30%), xuống 4.204,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 286,16 điểm (-2,18%), xuống 12.843,81 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng và ghi nhận tuần tăng tốt nhất từ đầu năm, khi các tín hiệu từ Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự thay đổi tích cực trong các cuộc đàm phán với Ukraine đã nâng đỡ thị trường.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,95% lên 431,17 điểm và tăng 4% trong tuần, nhờ mức tăng đột biến đối với các cổ phiếu bị bán mạnh trước đó do ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga-Ukraine đang diễn ra.
Hôm thứ Sáu, ông Putin cho biết đã có một số tiến triển và "những chuyển biến tích cực" trong các cuộc đàm phán giữa Moscow với Ukraine, mà không cần giải thích chi tiết, ngay lập tức điều này nâng cao tâm lý nhà đầu tư.
Các ngân hàng khu vực đồng Euro đã phục hồi 4,5% trong tuần này, đây là tuần tốt nhất của họ trong hai tháng, sau khi giảm gần 19% vào tuần trước do tiếp xúc nhiều với thị trường Nga.
Kết thúc phiên 11/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 56,66 điểm (+0,80%), lên 7.155,64 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 186,01 điểm điểm (+1,38%), lên 13.628,11 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 53,05 điểm (+0,85%), lên 6.260,25 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 11/2021, khi lạm phát của Mỹ tăng cao và các cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga không đạt được nhiều tiến triển.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, sau khi lao dốc vào đầu phiên với việc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) xác định ít nhất 5 công ty Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết nếu họ không cung cấp quyền truy cập vào các tài liệu kiểm toán.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do ảnh hưởng từ việc Mỹ đe dọa hủy niêm yết đối với một số công ty Trung Quốc nếu họ không cung cấp quyền truy cập vào các tài liệu kiểm toán.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi dữ liệu lạm của Mỹ khiến cho việc tăng lãi suất của Fed sẽ đến nhanh hơn dự kiến, trong khi các cuộc đàm phán Nga-Ukraine ít tiến triển cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Kết thúc phiên 11/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 527,62 điểm (-2,05%), xuống 25.162,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,65 điểm (+0,41%), lên 3.309,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 336,47 điểm (-1,61%), xuống 20.553,79 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,04 điểm (-0,71%), xuống 2.661,28 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu quay đầu giảm, khi áp lực bán kỹ thuật gia tăng và giới đầu tư ít có phản ứng trước chỉ số tâm lý tiêu dùng yếu và kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Đại học Michigan đã công bố khảo sát tâm lý người tiêu dùng, cho thấy mức độ lạc quan của người tiêu dùng giảm xuống 59,7 điểm, giảm so với con số 62,8 điểm của tháng Hai.
Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD xuống 1.991,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm hơn 10 USD xuống 1.992,8 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng trở lại khi giới đầu tư lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu do Mỹ tăng cường sức ép nhằm buộc Nga dừng cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong động thái mới nhất được thông báo, Mỹ và các đối tác sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, một động thái sẽ làm tăng thuế quan đánh vào hàng hóa của Nga.
Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 3,31 USD (+3,03%), lên 109,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,34 USD (+2,96%), lên 112,67 USD/thùng.