Xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài khiến giao thương thêm gián đoạn. Đồng thời, giá nhiều mặt hàng quan trọng trong đó có than đá tăng cao kỷ lục, hỗ trợ cổ phiếu ngành than liên tục “toả sáng”, bất chấp kết quả kinh doanh ngành than không mấy ấn tượng.
Chốt phiên đầu tuần ngày 7/3, VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) nhưng cổ phiếu khai thác than lại đồng loạt tăng trần mạnh mẽ như
TC6 (Than Cọc Sáu – Vinacomin),
NBC (Than Núi Béo),
HLC (Than Hà Lầm – Vinacomin),
TDN (Than Đèo Nai – Vinacomin),
TMB (Than Miền Bắc),
TVD (Than Vàng Danh),
THT (Than Hà Tu – Vinacomin),…
Đi ngược thị trường
Mặc dù được đánh giá là không thu hút được dòng tiền lớn so với mặt bằng chung nhưng hầu hết cổ phiếu than đã có màn trình diễn hết sức ấn tượng khi đều ghi nhận mức giao dịch vượt trội so với bình quân của chính mình.
Cổ phiếu than thật sự bùng nổ và gây thu hút đối với giới đầu tư vào lúc hầu hết các ngành khác gặp áp lực điều chỉnh. (Ảnh: Int)
Thống kê trong 10 phiên giao dịch gần đây nhất cho thấy, sắc xanh tím chiếm chủ đạo trên nhóm cổ phiếu khai thác than với hầu hết các cổ phiếu ghi nhận tỷ lệ tăng giá 25 - 50% chỉ sau vài phiên giao dịch.
Trong đó,
HLC là mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong 10 phiên với tỷ lệ 50%. Đóng cửa phiên 7/3, cổ phiếu này dừng ở 23.100 đồng/cp, thiết lập vùng đỉnh trong 1 năm trở lại.
Theo sau đó là các cổ phiếu tăng trưởng trên mức 40% có
TC6 và
MDC. Các mã khác cũng ghi nhận mức tăng cao trên 30% như
NBC,
TMB,
TVD và
THT. Hai cổ phiếu
CST và
TDN tăng gần 28%.
Đáng chú ý là thị giá cổ phiếu
TC6 đã tăng gần 4 lần từ vùng đáy 5.000 đồng/cp lên mức 18.100 đồng/cp (chốt phiên 7/3) trong 1 năm gần đây.
Như vậy, sau giai đoạn tăng mạnh kể từ đầu tháng 2, các cổ phiếu than giúp nhà đầu tư có thể đạt hiệu suất hơn 50%. Nhiều mã sắp quay về đỉnh giá đã được thiết lập trong tháng 10/2021 vừa qua.
Theo quan sát, nhóm cổ phiếu than đã có nhiều phiên tăng mạnh sau Tết, nhưng không gây được chú ý lắm khi mọi sự quan tâm đều đổ dồn về các ngành dầu khí, thép, phân bón,…
Cổ phiếu than chỉ thật sự bùng nổ và gây thu hút đối với giới đầu tư vào lúc hầu hết các ngành khác gặp áp lực điều chỉnh và thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái lình xình, không rõ xu hướng do tác động từ những căng thẳng xung quanh xung đột Nga và Ukraine đã làm cho hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đẩy giá cả nhiều mặt mặt hàng quan trọng trong đó có than đá tăng cao kỷ lục.
“Nga là quốc gia xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Việc Mỹ và Châu Âu tăng cường cấm vận Nga nhà đầu tư tin rằng các quốc gia này phải tìm kiếm các thị trường mới thay thế. Do đó, việc giá than tăng mạnh, hỗ trợ cho cổ phiếu ngành than tăng nóng trong thời gian qua là điều dễ hiểu”, một chuyên gia phân tích lý giải.
Kết quả kinh doanh không ấn tượng
Mặc dù nhóm cổ phiếu ngành khai thác than đang được đẩy giá lên cao song tình hình hoạt động kinh doanh trong vòng 5 năm trở lại đây của ngành than lại không có quá nhiều điểm ấn tượng
Mức tăng trưởng doanh thu trung bình của các công ty khai thác than tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng về giá của cổ phiếu các doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Là công ty dẫn đầu trong nhóm về doanh thu, năm 2021, CTCP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin đạt mức 11.029 tỷ đồng; lãi sau thuế 60,3 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, doanh thu của công ty gần như đi ngang. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tương tự.
Theo sau là Than Cao Sơn - TKV (
CST) với doanh thu là 8.698 tỷ đồng trong năm 2021 song công ty này lại dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm với 106,6 tỷ đồng.
Nằm trong nhóm báo lãi trăm tỷ đồng còn có Than Vàng Danh – Vinacomin. Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Than Vàng Danh là 5.342 tỷ đồng và 103,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 57,13% và 18,86% so với năm 2020.
Ngoài ra, có thể kể đến một số công ty khác có sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021 như Than Hà Tu - Vinacomin, Than Hà Lầm – Vinacomin, Than Đèo Nai – Vinacomin. Đáng chú ý, mặc dù giá cổ phiếu tăng phi mã nhưng doanh thu và lãi sau thuế của Than Đèo Nai chỉ tăng lần lượt 6,61% và 1,23% trong năm 2021.
Ngược chiều, doanh thu của Than Cọc Sáu - Vinacomin giảm 17,45% trong năm 2021, xuống còn 2.579 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty sụt giảm về doanh thu. Trong 5 năm gần đây, doanh thu của Than Cọc Sáu cao nhất vào năm 2019 với 3.558 tỷ đồng.
Đồng thời, trong năm 2021, lợi nhuận của Than Cọc Sáu cũng giảm mạnh hơn 66%, xuống còn 2,4 tỷ đồng – ghi nhận mức lãi thấp nhất trong 5 năm gần đây. So với mức đỉnh lợi nhuận 41,3 tỷ đồng của năm 2018 thì đây là con số rất thấp.
Tương tự, Than Núi Béo cũng sụt giảm nhẹ về lợi nhuận trong năm 2021 khi báo lãi 45,7 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm trước đó.
Đánh giá về ngành than trong thời gian tới đây, một số công ty chứng khoán cho rằng, những lo ngại diễn biến căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và ngành than được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp.
Tuy nhiên, hiện tại, việc giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường. Vì vậy, dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.
“Tiềm năng tăng trưởng của các công ty khai thác than còn là một câu hỏi cần được xem xét lại kỹ lưỡng”, một công ty chứng khoán nhận định.