Thị trường đã xuất hiện những phản ứng tương đối mạnh khi chiến sự giữa Nga - Ukraine nổ ra. Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư đã mau chóng ổn định trở lại để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh nhiều biến động của thế giới.
Cú sốc tâm lý ngắn hạn
Nhà đầu tư Phương Anh cho biết, trong phiên ngày 24/2, khi Nga chính thức thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine, chị đã bán ra 5/8 cổ phiếu đang nắm giữ.
Phản ứng bán ra tức thời trước sự kiện lớn từ bên ngoài như của nhà đầu tư này là điều hoàn toàn dễ hiểu và tâm lý đó đã khiến thị trường chứng khoán có một số phiên chìm trong sắc đỏ khi những thông tin đầu tiên về khủng hoảng địa chính trị khu vực Đông Âu diễn ra.
Tuy nhiên, giới đầu tư đã mau chóng lấy lại bình tĩnh, bằng chứng là đà hồi phục tích cực của thị trường trong tuần qua với thanh khoản đạt khoảng 30.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, nhìn chung, so với các thị trường quốc tế, thị trường Việt Nam có mức giảm ít nhất. Thậm chí, trong phiên ngày 24/2/2022, giữa tâm lý hoang mang, nhiều nhà đầu tư đã chớp thời cơ bắt đáy.
Thực tế, những nhà đầu tư có "cái đầu lạnh", nhập cuộc bắt đáy trong phiên thị trường điều chỉnh sâu đã có thành quả khá ngọt ngào khi đến cuối tuần qua, hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều đã có mức phục hồi khá tốt.
Dù mọi sự quan tâm trên thị trường đều đang đổ dồn vào cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng thực tế, tác động của sự kiện này tới Việt Nam chưa thật rõ ràng.
Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga, Ukraine hay các nước khu vực Trung Đông chỉ chiếm xấp xỉ 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan).
Về mặt gián tiếp, ông Bình nhìn nhận giá dầu toàn cầu đang nóng lên do nguồn cung hẹp lại khiến CPI của Việt Nam bị ảnh hưởng. Trong tháng 2 vừa qua, CPI tăng 1% so với tháng trước và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Mặc dù lạm phát có vẻ đang thấp và vẫn được kiểm soát, nhưng đây là rủi ro tương đối lớn mà chúng ta nên quan tâm”, ông Bình nói.
Nhận định được đưa ra từ nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VN-Index vẫn đang ở mức bình quân trong khu vực, nên không có lý do gì khiến thị trường phải điều chỉnh mạnh.
Còn nhiều cổ phiếu sáng giá
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, diễn biến quốc tế sẽ làm giá cả của một số ngành leo thang như giá dầu, phân bón, giá thép, do Nga là một nước xuất nhập khẩu các mặt hàng trên tương đối lớn. Vậy nên, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này sẽ có cơ hội ngắn hạn. Ngoài ra, vì nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong chiến tranh, cổ phiếu gạo nhiều khả năng được chú ý vì giá gạo có thể tăng.
Công ty Chứng khoán BSC cũng đưa dầu khí, phân bón và thép vào danh mục 3 ngành được hưởng lợi. Các mã cổ phiếu ngành dầu khí được kỳ vọng tăng trưởng tích cực là PVS và
PVD sẽ có nhiều dự án thăm dò, khai thác sôi động trở lại với giá trị hợp đồng cao hơn ở nhóm thượng nguồn. PVT và
GAS có nhiều tiềm năng ở nhóm trung nguồn khi nhu cầu vận tải dầu năm 2022 và nhu cầu nhập khẩu LNG tiếp tục tăng.
Ngoài ra, BSC khuyến nghị khả quan đối với nhóm hạ nguồn là cổ phiếu
PLX, OIL nhờ kỳ vọng sản lượng xăng dầu phục hồi cùng giá bán tăng, và triển vọng thoái vốn tại PGBank. Bên cạnh đó,
BSR cũng sẽ được hưởng lợi nhờ chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu tăng, giúp cải thiện lợi nhuận.
Về ngành phân bón, sản lượng Amoni nitrat (NH4NO3) xuất khẩu của Nga hiện đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới. Động thái cấm xuất khẩu NH4NO3 của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao. Hai cái tên được BSC khuyến nghị khả quan là
DPM và
DCM.
Về ngành thép, Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU (sau Thổ Nhĩ Kỳ). Tỷ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này.
NKG,
HSG là hai cổ phiếu tiềm năng, khi
HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU.
Trong khi đó, ông Trương Quang Bình đề cập đến nhóm cổ phiếu vận tải biển cũng có lợi do các doanh nghiệp sản xuất trở lại, hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp cùng với chi phí vận tải vẫn ở mức cao, hỗ trợ các ngành vận tải biển có mức giá hấp dẫn như GMD.
Tuy nhiên, ông Bình tỏ ra tương đối thận trọng với nhóm cổ phiếu dầu khí, vì đà tăng của nhóm này hiện đang được dẫn dắt bởi yếu tố tâm lý nhiều hơn yếu tố cơ bản. Dù giá dầu tăng nhưng giá cho thuê giàn chưa có biến động mạnh và vẫn có độ trễ.
“Nếu đầu tư vào dầu khí trong thời điểm này, nên đảm bảo an toàn bằng chiến lược “hit and run” (vừa đánh vừa chạy), không nắm giữ quá lâu mà bán ngay khi cổ phiếu có lãi. Ngoài ra, nhà đầu tư nên dành 30% tiền mặt để tận dụng cơ hội mua những cổ phiếu cơ bản tốt”, ông Bình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa khuyến khích nhà đầu tư nên tìm kiếm các mã đầu ngành nhóm hưởng lợi, hạn chế các cổ phiếu nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh, không sử dụng margin để hạn chế rủi ro. Mặt khác, với những sự kiện khó nắm bắt, nên thu hồi vốn để bảo toàn thành quả.
“Giai đoạn này bắt đầu có số liệu kinh doanh quý I/2022, thông tin về đại hội đồng cổ đông. Nhà đầu tư nên chú ý lựa chọn doanh nghiệp kỳ vọng có sự hồi phục trong kế hoạch kinh doanh hay kết quả kinh doanh tốt, để tiếp tục nắm giữ hoặc tăng tỷ trọng”, ông Khoa khuyến nghị.
Còn nói như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, "hơn lúc nào hết, hiện tại không phải là lúc kiếm tiền nhanh mà nhà đầu tư cần đề cao việc bảo vệ tài sản của mình”.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT
Xung đột giữa Nga - Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi giá dầu và khí đốt có thể neo ở mức cao. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đủ nguồn lực để kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2022 dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đã đề ra. Việt Nam sẽ vẫn đẩy nhanh mở cửa trở lại nền kinh tế (du lịch, hàng không, dịch vụ) và duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Đây là cơ sở để tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
Tất nhiên, với một số nhóm ngành, lĩnh vực sản xuất, thì các biến động địa chính trị nêu trên cũng có tác động nhất định. Một số nhóm ngành như dầu khí, xuất khẩu thép hay phân bón sẽ được hưởng lợi khi giá các mặt hàng này dự kiến tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian tới. Hoặc mặt hàng cá tra Việt Nam có thể hưởng lợi gián tiếp khi Nga không thể xuất khẩu cá minh thái (một sản phẩm cạnh tranh với cá tra) sang thị trường EU. Ở chiều ngược lại, các ngành như dầu ăn, thức ăn chăn nuôi sẽ chịu tác động tiêu cực bởi giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ tăng, do Nga và Ukraine đều là những nước giữ thị phần lớn trong xuất khẩu dầu hướng dương, ngô và lúa mì.
Việc duy trì sự thận trọng trong bối cảnh hiện tại là điều cần thiết, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không cần phải quá hoảng loạn hay bi quan về thị trường. VNDIRECT đánh giá tác động trực tiếp của căng thẳng Nga - Ukraine tới nền kinh tế Việt Nam là không lớn. Bên cạnh đó, thống kê lịch sử chỉ ra rằng, các cuộc khủng hoảng như vậy chỉ tác động đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, thị trường thường tạo đáy trong khoảng 2 - 3 tuần và phục hồi trở lại ngay sau đó.
Trong trung và dài hạn, triển vọng thị trường vẫn khá lạc quan nhờ nền kinh tế tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2022 - 2023 và định giá TTCK Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong trung hạn.