• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 8:47:34 CH - Mở cửa
Đổi mới công nghệ - "sống còn" của doanh nghiệp
Nguồn tin: Tạp Chí Tài Chính | 10/04/2022 9:05:00 SA
Đổi mới công nghệ là yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu thông tin về công nghệ, các chính sách hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ chưa nhiều…
 
Thu nghìn tỷ từ đổi mới công nghệ
 
Công ty cơ khí Bách Tùng là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công chi tiết và các thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp sử dụng các máy móc cũ, lạc hậu, phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành được sản phẩm.
 
Khi nhận được hỗ trợ từ chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư các máy móc hiện đại hơn, tự động hóa các dây chuyền sản xuất và phương thức sản xuất.
 
Nhờ tự động hóa một số công đoạn, hoàn thiện quy trình sản xuất, doanh nghiệp này đã rút ngắn được 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% nhân công vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần đối với mỗi sản phẩm và năng suất lao động tăng gần 5 lần so với công nghệ cũ.
 
Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc công ty cơ khí Bách Tùng cho biết, đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ là phải sản xuất với số lượng lớn. Giá thành, chất lượng và thời gian giao hàng luôn là những đòi hỏi khắt khe của các tập đoàn lớn, đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
 
"Chính vì thế, đổi mới công nghệ là hết sức quan trọng, cấp thiết đối với doanh nghiệp như chúng tôi. Chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu là tự động hóa, bởi chỉ có tự động hóa mới giải quyết được 3 bài toán: Giảm giá thành, ổn định về chất lượng và đáp ứng được thời gian giao hàng", ông Tòng nói.
 
Chia sẻ câu chuyện về đổi mới công nghệ, ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nông - chuyên nghiên cứu hạt giống rau màu, cho hay, khi tiếp cận, tham gia chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, công ty đã chọn, tạo thành công 12 giống rau điển hình đạt chuẩn quốc gia từ hơn 3.000 giống cây rau màu tại Việt Nam, khu vực và thế giới. Kết quả của dự án đã đóng góp vào tăng trưởng doanh nghiệp ước đạt khoảng 10%/năm.
 
"Trước đây, trung bình 5 năm, công ty mới tạo ra được một cặp lai triển vọng, tuy nhiên, sau khi áp dụng, đổi mới công nghệ, thời gian rút ngắn còn 3 năm.
 
Hay trước đây, khi đưa hạt giống ra thị trường, chúng tôi phải trồng ở ngoài đồng ruộng, mất 2-3 tháng mới đánh giá được sản phẩm có đồng đều, đủ chất lượng hay không. Tuy nhiên, sau khi áp dụng công nghệ thì chỉ còn 48 tiếng", ông Trường cho hay.
 
Doanh nghiệp của ông Trường không chỉ tiết kiệm được thời gian để nghiên cứu các sản phẩm mới mà chi phí giá thành sản phẩm cũng giảm 20%-30%, từ đó đem đến cho bà con nông dân những sản phẩm có giá cả hợp lý.
 
"Trong quá trình phát triển công ty, chúng tôi xác định đổi mới công nghệ là 'sống còn' của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu, nếu không đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp không tồn tại được", ông Trường khẳng định.
 
Cũng tham gia các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia từ năm 2018, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Long An) chia sẻ, đến nay, công ty của ông đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất dầu ăn chất lượng cao từ mỡ cá tra; quy trình công nghệ sản xuất bột nêm từ phụ phẩm cá tra; hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi từ bột cá…
 
Những công nghệ này đã nâng tầm giá trị cá tra của Việt Nam lên 28%. Doanh thu sản phẩm dầu ăn từ phụ phẩm cá tra của công ty đạt gần 800 tỷ đồng, tăng gần 2,9 lần; doanh thu bột cá đạt 1.783 tỷ đồng, tăng hơn 57%; doanh thu từ hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt 135 triệu USD, tăng 32%...Nhiều sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu.
 
Theo ông Thành, làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường.
 
Hiện nay, còn nhiều dư địa và cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ.
 
Hơn nữa, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ như: Thiếu thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ.
 
Bên cạnh đó, chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay); chưa có hướng dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN)…
 
Ông Thành mong muốn, tới đây, Bộ KH&CN sẽ có cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp; bổ sung các quy định và hướng dẫn cụ thể về trích lập, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cũng như bổ sung các ưu đãi đối với sản phẩm từ chuyển giao, đổi mới công nghệ; sớm hoàn thiện các quy định quản lý để doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế.
 
Tập hợp các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp
 
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các hỗ trợ hiện nay của Nhà nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đặt mục tiêu, đến năm 2030: Cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1.000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ...
 
Trong khi đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 cũng mới được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần khi chưa đổi mới công nghệ…
 
Ngoài ra, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng đang phát huy hiệu quả. Đến nay, Quỹ đã huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện thông qua các nhiệm vụ được tài trợ.
 
Các doanh nghiệp sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn ngân sách Nhà nước tài trợ). Gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được đổi mới, cải tiến và ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu qủa kinh tế cao.
 
Ông Tạ Việt Dũng cho rằng, các chương trình nói trên và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã hình thành hành lang pháp lý, chuỗi hỗ trợ có hệ thống và tập hợp các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.
 
Trong nhiều buổi làm việc với các nhà quản lý, viện, trường đại học, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng đều nhấn mạnh, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào cuộc sống.
 
Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Bộ hết sức quan tâm là làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong việc quản lý các chương trình, nỗ lực huy động tối đa các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong toàn quốc tham gia các chương trình KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, rất cần sự chủ động tham gia, tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…