Sau hơn 6 năm kể từ lần trình đầu tiên, một số nội dung trong Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điểm cuối lộ trình
“Chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào triển khai các nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hôm 8/4.
Trước đó, ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 303/TTg-ĐMDN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VNR) về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng thu gọn đầu mối tổ chức, đơn vị thành viên.
Điểm nhấn quan trọng nhất tại Công văn số 303 là việc Thủ tướng đồng ý để VNR thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 chi nhánh thành 3 chi nhánh; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 ban quản lý dự án đường sắt để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư và chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án còn lại.
Ngoài 3 nội dung đã được phê duyệt, trong Đề án Cơ cấu lại VNR trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022 với thời gian thực hiện chuyển từ giai đoạn 2017 - 2020 sang 2021 - 2025, VNR kiến nghị:
- Duy trì tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt.
- Tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (trên 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% tại 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.
- Tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, VNR sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại 2 đơn vị này xuống còn 51%, trình Thủ tướng phê duyệt.
Thủ tướng đồng ý để VNR hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) thành 1 công ty cổ phần.
“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên đúng quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản; hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Công văn số 303 nêu rõ.
Ông Vũ Anh Minh cho biết, với nội dung thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy và ban quản lý dự án, VNR sẽ triển khai ngay trong tháng 4/2022. Về việc hợp nhất Haraco và Saratrans, Tổng công ty sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.
“Công việc này phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất việc sáp nhập trong quý III/2022”, ông Minh nói.
Không thể tồn tại nếu không tái cơ cấu
Đề án Cơ cấu lại VNR được trình cấp có thẩm quyền lần đầu tiên vào năm 2016. Khi đó, Đề án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu sắp xếp lại và thoái vốn tại các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty, đảm bảo cho đơn vị có mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý hơn theo hướng tập trung vào 3 ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ khí đường sắt.
Trong các đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ Giao thông - Vận tải, VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển Haraco (vốn điều lệ 800 tỷ đồng, VNR nắm 91,62%) và Saratrans (vốn điều lệ 503 tỷ đồng, VNR nắm 78,46%) thành các công ty cổ phần. Sau khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của Haraco và Saratrans đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.
Lãnh đạo VNR cho rằng, việc Haraco và Saratrans kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Có thời điểm, tại cùng 1 ga, cả 2 đơn vị đều bố trí lao động, thuê trụ sở, kho bãi…, làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh doanh sa sút.
“Nếu không mạnh dạn dừng các mảng kinh doanh kém hiệu quả, dù đó là nghề truyền thống; cải tổ bộ máy; cắt giảm các chi phí bất hợp lý để sớm đưa đường sắt trở lại đường đua, thì thương hiệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ không thể tồn tại trong vài năm tới”, ông Vũ Anh Minh thừa nhận.