"Những hoảng loạn của nhà đầu tư trên TTCK vừa qua không phải do những vụ việc xử lý với một số doanh nghiệp, mà do cách chúng ta phản ứng với nó..."
Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam” ngày 20/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang cùng đà với TTCK thế giới và xu hướng chung là tiến lên.
Từ năm 2008 đến nay phần lớn TTCK thế giới đều phát triển nóng, bất chấp các rủi ro từ hàng trăm năm trước đó.
Trong vòng 100 năm trước, chỉ số Dow Jones chỉ có 5 lần lên xuống quá 1.000 điểm. Mỗi khi xảy ra như vậy, thị TTCK lại sụp đổ, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, tình trạng này đã xảy ra hơn 10 lần và thị trường vẫn cứ tiến lên, không hề sụp đổ.
Tương tự, trong vòng 100 năm trước, mỗi khi trái phiếu dài hạn có lãi suất thấp hơn trái phiếu ngắn hạn gây nguy cơ đảo chiều của gốc lãi suất thì TTCK thường sụp đổ, nhưng trong vòng 5 năm từ 2008 đến giờ đã có 4 lần như vậy, TTCK vẫn chưa sụp đổ.
"Theo các nhà nghiên cứu của Mỹ, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hỗn loạn và hỗn loạn là một tiêu chí của bình thường mới. Nói một cách khác là, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thay đổi ghê gớm và chúng ta phải làm quen với sự thay đổi ấy", ông Nghĩa cho biết.
Vì vậy, những bất ổn trên toàn cầu như dịch COVID-19 hay xung đột Nga - Ukraine cùng những biến cố xảy ra ở thị trường Việt Nam như vừa qua là việc khởi tố hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp... cũng sẽ phản ánh đến TTCK quốc tế và Việt Nam, nhưng nhà đầu tư đã dần quen với nó.
3 yếu tố giúp TTCK Việt Nam vẫn sẽ phát triển
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến TTCK Việt Nam khó có thể "sập" và sẽ còn vẫn còn tiềm năng tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh và mạnh sau dịch COVID-19. Đây là một điểm vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán.
Mỗi khi nền kinh tế phục hồi nhanh và mạnh nhất là trong khu vực dịch vụ, thì đây sẽ là đà quan trọng cho kinh tế Việt Nam phát triển, trong đó có thị trường chứng khoán.
Thứ hai, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam nhìn chung vẫn ổn định.
"Một số tổ chức quốc tế cho rằng, chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức 5-6%, nhưng theo chúng tôi, chỉ số lạm phát năm nay sẽ kiềm chế được ở dưới 5%", TS. Nghĩa nói.
Đồng thời, ông cũng phân tích, nếu giá xăng dầu tăng 30-40% thì lạm phát sẽ tăng thêm so với năm ngoái từ 0,1-1%. Trong trường hợp xấu nhất, giá lương thực, thực phẩm cũng sẽ tác động vào chỉ số lạm phát năm nay khoảng 0,36%.
Tổng cộng tất cả, lạm phát năm 2022 có thể ở mức 4-5%, đây là thành công rất lớn so với các quốc gia khác.
Nguyên nhân là do Việt Nam không nhập siêu dầu mỏ hoàn toàn, mà có dầu dự trữ. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu khoảng 7 tỷ USD dầu mỏ, dự kiến năm nay khoảng 9 tỷ USD nhưng không phải là nhập siêu hoàn toàn.
Về lương thực, thực phẩm, Việt Nam có nền sản xuất rất tốt, việc chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm là một yếu tố quan trọng giúp kiềm chế lạm phát.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng giữ được tỷ giá hối đoái rất ổn định. Đó là một trong những điều kiện vô cùng tích cực để hồi phục TTCK trong thời gian tiếp theo.
Thứ ba, tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán của Việt Nam vẫn còn rất thấp, mới chỉ khoảng 4%, thấp hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Việt Nam cũng là một thị trường mà người dân phải nói là khá thích các thị trường đầu tư rủi ro. Hiện vẫn còn rất nhiều loại hình phi chính thức, song trong tương lai người dân sẽ đổ tiền dần vào thặng dư vốn trên những thị trường chính thức như TTCK hay thị trường tài chính, TS. Nghĩa chỉ ra.
"Theo các nhà nghiên cứu của Mỹ, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hỗn loạn và hỗn loạn là một tiêu chí của bình thường mới. Nói một cách khác là, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thay đổi ghê gớm và chúng ta phải làm quen với sự thay đổi ấy"
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, những tin đồn về các doanh nghiệp trên TTCK, đây là một điều không thể thiếu của thị trường. Mỗi khi có những sự kiện tiêu cực như vụ "bầu" Kiên hay ông Trần Bắc Hà trước đây sẽ tác động ghê gớm đến TTCK. Lần này, sự tác động kiểu như vậy, đã giảm đi nhiều, không trở thành một cú sốc ghê gớm như những sự kiện trước.
"Điều này cho thấy, quy mô thị trường đã lớn hơn, sức chịu đựng lớn hơn và nhà đầu tư cũng đã quen dần", TS. Nghĩa cho hay.
Ở Hàn Quốc, Chủ tịch Tập đoàn Samsung hay Daewoo bị bắt nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, vẫn lớn mạnh. Ở Việt Nam thì chưa được như vậy, nhưng trong tương lai, thị trường sẽ hoạt động dần theo quy luật đó.
Lành mạnh hoá TTCK bằng cách nào?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngành ngân hàng hiện đang chiếm tới 95% tổng tài sản của thị trường tài chính Việt Nam, điều này phản ánh thị trường tài chính đang kém phát triển và nền kinh tế kém phát triển.
Tình trạng này giống với Nhật Bản 40 năm kể về trước khi doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng. Trong vòng 20 năm trở lại đây, cấu trúc tín dụng của các quốc gia thay đổi rất nhanh, còn Việt Nam thì vẫn khá chậm.
Vì vậy, phát triển TTCK và thị trường trái phiếu để tạo nguồn cung vốn cho các doanh nghiệp vẫn là mục tiêu cần đưa lên hàng đầu.
TTCK Việt Nam đã phát triển khá nhanh so với giai đoạn trước, tuy nhiên có những bức xúc trên thị trường mà chúng ta chưa xử lý được như những nhóm đánh hay nhóm tái cấu trúc công ty, ông Nghĩa chỉ ra.
Để giải quyết vấn đề này theo ông Nghĩa, các cơ quan quản lý cần tập trung vào chức năng giám sát và xử lý vi phạm. Nếu phát hiện với những bất thường trên thị trường thì cần cảnh báo nhà đầu tư và "uốn nắn" doanh nghiệp ngay lập tức để tạo niềm tin cho thị trường.
Đồng thời, cần để cho Ủy ban Chứng khoán là một cơ quan quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ chứ không nên để trực thuộc Bộ Tài chính. Việc để Ủy ban Chứng khoán là một cơ quan độc lập với chức năng giám sát và xử lý vi phạm sẽ hiệu quả hơn. Bởi hiện nay, nếu phát hiện vi phạm, cơ quan này sẽ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, nhiều đặc thù của ngành chứng khoán mà cần những người trong ngành mới có thể xử lý chính xác, không mở rộng nhưng cũng không giảm nhẹ. Xử lý đúng người đúng tội, tránh gây mất ổn định trên thị trường.
"Nhiều đặc thù của ngành chứng khoán mà cần những người trong ngành mới có thể xử lý chính xác, không mở rộng nhưng cũng không giảm nhẹ. Xử lý đúng người đúng tội, tránh gây mất ổn định trên thị trường."
Bên cạnh đó, Chính phủ phải có những giải pháp ổn định TTCK, như ở Trung Quốc, khi Evergreen khủng hoảng, Chính phủ lập tức tiếp nhận giao địa phương tiếp tục triển khai dự án để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Hoặc như tại Mỹ, Nhật, đều có các công ty xây dựng TTCK với nguyên tắc, mua vào để "đỡ" thị trường khi giảm điểm mạnh và bán ra khi thị trường tăng quá nóng. Hiện Mỹ đang có 11 công ty như vậy và Nhật Bản có 4 công ty.
Những hoảng loạn của nhà đầu tư trên TTCK vừa qua không phải do những vụ việc xử lý với một số doanh nghiệp, mà do cách chúng ta phản ứng với nó, TS. Nghĩa nhận định.
Nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng nhìn thấu thị trường, không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Vì vậy, mọi TTCK đều phải tìm cách giảm sự bất cân xứng thông tin.
"Thị trường luôn cần làm sạch, nhưng làm sạch như thế nào để ổn định thị trường và đạt đúng mục tiêu đề ra thì cần phải nghiên cứu và xem xét kỹ", TS. Nghĩa nhìn nhận.