Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong đó có ngành dệt may đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với giá cả đầu vào tăng mạnh, lo không đảm bảo tiến độ đơn hàng, thậm chí rơi vào tình trạng "càng làm, càng lỗ".
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong quý I.2022, dệt may là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất tới 1,46 tỷ USD vào tăng xuất khẩu của cả nước và có mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Nhiều âu lo...
Ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, điểm sống còn với doanh nghiệp (DN) dệt may bên cạnh việc phải có đơn hàng, cần tập trung được đông đủ lực lượng lao động. Các DN muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các các chế độ phúc lợi.
Thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh cũng như giá cả đầu vào. Một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, May 10, Dệt may Thành Công… cho biết kín đơn hàng cho đến hết quý II, thậm chí là quý III năm nay.
Dù đơn hàng không thiếu nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn lo "càng làm, càng lỗ" do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng "chóng mặt".
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, dù đơn hàng năm nay nhiều, nhưng các doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Phí vận chuyển, phí hạ tầng cảng biển, nguyên vật liệu tăng… đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ của các đơn hàng đã ký kết.
Thực tế, để cạnh tranh thu hút lao động, doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng lương 5-10%. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu tăng từ 10 - 20%, chi phí logistics tăng 10 - 25%, thậm chí 100%, chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu cũng tăng khoảng 30%... Tất cả những điều này đang khiến doanh nghiệp lo lắng bởi có thể "càng làm, càng lỗ".
Đơn cử như Công ty May mặc Dony (TP.Thủ Đức), dù đã có đơn hàng đến cuối năm với tổng giá trị lên tới khoảng 3 triệu USD. Nhưng việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đang khiến doanh nghiệp này đau đầu tính toán sao cho vẫn giữ được giá thành, đảm bảo được mức lương cho người lao động, kinh doanh có lãi…
Tuy nhiên, theo như chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, nếu giá vật liệu đầu vào cứ tiếp đà tăng thì có thể sẽ phải điều chỉnh giá. Thêm vào đó, nguy cơ lạm phát có thể xảy ra cũng khiến doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán về lao động, tiền lương…
Nỗ lực "thắt lưng buộc bụng"
Để giảm thiểu những khó khăn, tránh đứt gãy đơn hàng do giá nguyên liệu tăng chóng mặt, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng "thắt lưng, buộc bụng", nâng cao giá trị sáng tạo và chủ động nguyên phụ liệu vì hiện nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 3%-4%. Bên cạnh đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khâu thiết kế lẫn thương mại để chào bán các sản phẩm thiết kế thương hiệu Việt Nam, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm may mặc thương hiệu Việt ngay tại thị trường nội địa.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải quản trị rất chặt về mặt định mức nguyên phụ liệu để cấu thành sản phẩm. Đơn cử như May 10, chi phí gia công trên tổng giá thành một sản phẩm sơ mi chiếm từ 15 - 20%. Nếu tăng năng suất cho phần gia công, sẽ làm giảm áp lực tăng thêm chi phí trong bối cảnh không tăng được giá bán của sản phẩm.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do phụ thuộc vào nhập khẩu, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đơn vị cung cấp trong nước, qua đó cũng giúp cho May 10 tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA. Bên cạnh đó, May 10 cũng linh hoạt trong công tác điều hành xuất nhập khẩu trong khâu vận chuyển (tàu biển, đường bộ, hàng không…). Chính vì vậy, May 10 luôn đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và tạo được uy tín lớn với khách hàng.
“May 10 hiện có trên 60 khách hàng là các nhà nhập khẩu may mặc tại thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng khoảng 600 nhà cung cấp nguyên vật liệu trên toàn thế giới để phục vụ sản xuất kinh doanh”. Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Vitas, ngành dệt may phát triển rất nhanh nhưng vẫn yếu khâu nguyên liệu đầu vào nên mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do.
“Bên cạnh sự nỗ lực của DN, ngành dệt may hy vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính, lãi suất, tỷ giá... để giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Cẩm đề xuất.