Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VPBank nhảy vọt 230% so với cùng kỳ do ghi nhận khoản phí hỗ trợ khổng lồ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa ngân hàng này và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.
Lợi nhuận khủng
Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 10.527 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất, theo đó, đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank đạt được từ trước đến nay. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã vượt lên trên 95 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 đạt trên 15%.
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng, một phần lớn trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng là lãi thuần từ các hoạt động khác, xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng cho biết phần lớn trong đó được đóng góp bởi khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA. Chính nguồn thu này đã đưa VPBank lên đỉnh cao nhất về lợi nhuận trong quý 1 vừa qua.
Nhưng ngay cả khi không tính nguồn thu bất thường kể trên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của VPBank cũng cực kỳ ấn tượng trong quý vừa qua, khi tăng tới gần 56% so với cùng kỳ năm 2021. Đại diện ngân hàng cho biết tất cả các mảng kinh doanh chiến lược của ngân hàng như phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cho thấy sự khởi sắc đầu năm nay.
Có thể thấy rõ điều này nếu nhìn sâu hơn vào bức tranh kinh doanh của ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất trong 3 tháng đầu năm đạt 10,3%, tăng gấp đôi trung bình ngành.
Thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ và 16% so với quý 4/2021, với ngân hàng mẹ tăng tương ứng gần 30% và trên 16%. Thu nhập phí dịch vụ hợp nhất, trong khi đó, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng tương ứng gần 30% và tại FE Credit là 4,8% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng mảng phí dịch vụ đến từ các hoạt động thanh toán, thu nhập từ thẻ và các dịch vụ khác.
Trong khi doanh thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng mạnh, VPBank tiếp tục thể hiện là một trong những ngân hàng sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất hệ thống, khi chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhất thị trường. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) (không bao gồm thu nhập bất thường) đạt mức 3,1% và 21,2%.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết chính sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh cốt lõi quý I vừa qua, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế, đã giúp ngân hàng tự tin vào một kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2022.
Kiên trì với chiến lược bán lẻ
Trong năm 2022, VPBank đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 107% so với năm 2021, tương ứng gần 30 nghìn tỷ đồng. Một trong những động lực cho tham vọng này được tiếp tục gửi gắm vào mảng bán lẻ khi tăng trưởng mảng phí dịch vụ đến từ các hoạt động thanh toán, thu nhập từ thẻ và các dịch vụ khác mang tới kết quả tích cực trong quý đầu năm.
Theo đó, VPBank đang triển khai chiến lược 5 năm tiếp theo với mục tiêu đưa mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank trở thành đơn vị đứng đầu toàn ngành, tầm nhìn tới năm 2026 mảng này sẽ đóng góp 60% vào quy mô dư nợ của ngân hàng. Các phân khúc như thẻ tín dụng hay cho vay tín chấp, thế chấp sẽ vươn lên top 1 trên thị trường.
Theo ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của VPBank, VPBank hiện đang có nhiều lợi thế để hiện thực hóa tham vọng trên, trong đó là danh mục kinh doanh bán lẻ đa dạng, với tín chấp chiếm 22% và thế chấp chiếm 78%. Trong đó, mảng tín chấp đã chứng minh tính hiệu quả và sinh lời cao, bất chấp các tác động của dịch Covid-19 với nhiều giai đoạn giãn cách kéo dài.
Nhờ đi tiên phong trong hoạt động số hóa ngân hàng, VPBank đã tối ưu hóa quy trình phát hành thẻ tín dụng trong vòng 1-2 phút hay cho vay ô tô 100% trong vòng 5-10 phút, mang lại những hành trình trải nghiệm trọn vẹn và liền mạch cho khách hàng, trở thành lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường.
Tỷ lệ giải ngân trực tuyến của các sản phẩm vay thế chấp và tín chấp trong quý I đạt 80-100%, và tỷ lệ số dư tiết kiệm trực tuyến đạt 61%.
Số hóa cũng đang tiếp tục củng cố hoạt động mở rộng quy mô khách hàng của VPBank. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua kênh số hóa trong quý I tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Số lượng giao dịch trung bình hàng tháng qua kênh số tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến hiện tại, tổng số khách hàng của ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 6 triệu. Tính gộp cả ngân hàng mẹ và các công ty con, con số này là gần 20 triệu khách hàng.