Thị trường tăng với độ rộng khá tốt trong phiên sáng, nhưng thanh khoản lại giảm khoảng 8% trên cả hai sàn niêm yết. Sau khi VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h45, toàn thời gian còn lại thị trường đi ngang giằng co, như thể lo sợ lặp lại diễn biến “đánh úp” buổi chiều...
Sắc xanh tràn ngập bảng điện sáng nay, nhưng vẫn có vài trụ kéo tụt điểm số.
Thị trường tăng với độ rộng khá tốt trong phiên sáng, nhưng thanh khoản lại giảm khoảng 8% trên cả hai sàn niêm yết. Sau khi VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h45, toàn thời gian còn lại thị trường đi ngang giằng co, như thể lo sợ lặp lại diễn biến “đánh úp” buổi chiều.
VN-Index kết phiên sáng tăng 0,59% tương đương 6,94 điểm, độ rộng ghi nhận 250 mã tăng/178 mã giảm. Số cổ phiếu tăng giá là khá nhiều và áp đảo, nhưng thanh khoản lại gần 8% ở sàn này.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng đang tăng giá rất tốt và nổi lên dẫn dắt về điểm số. Măc dù giá dầu rất mạnh, nhưng GAS sáng nay đột ngột có một nhịp giảm hơn 1%, trước khi được kéo lên trở lại. Cổ phiếu này hiện đang là mã lớn kéo điểm số nhiều nhất cho VN-Index khi tăng 3,68%. Một mã khác trong rổ VN30 là PLX cũng tăng 2,05%.
Cổ phiếu dầu khí nhìn chung rất mạnh khi giá dầu thế giới nóng trở lại với việc nới lỏng giãn cách tại Trung Quốc. PVD tăng kịch trần sáng nay sau khi rơi xuống đáy 8 tháng. Nhóm PVO, PVS, PEQ, PVB, PPY, PVC tăng trên 5% giá trị. Các mã còn lại đều tăng trên 2%.
Nhóm ngân hàng sáng nay cũng tăng giá áp đảo. Trong 27 mã trên các sàn, chỉ 7 mã giảm, còn lại là tăng. Số giảm không may có cả VCB mất 0,13% nên ảnh hưởng chút ít tới chỉ số. Ngược lại, BID tăng 2,17%, MBB tăng 3,46%, VPB tăng 2,41%, TCB tăng 2,61%, CTG tăng 2,44% đều lọt vào Top 10 cổ phiếu dẫn chỉ số.
VN30-Index kết phiên sáng tăng 0,78%, độ rộng ghi nhận 20 mã tăng/10 mã giảm. Đáng tiếc bộ đôi VIC, VHM giảm quá mạnh, tương ứng -2,08% và -2,28% khiến VN-Index thiệt hại tới hơn 3 điểm. Ngoài ra SAB cũng giảm 1,96%, VRE giảm 0,95%.
VN-Index đảo chiều vượt tham chiếu từ giữa phiên sáng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục có một phiên bứt phá khá ấn tượng, dù mới có VCI và TVS kịch trần. Các mã blue-chips của nhóm đều rất tốt: HCM tăng 6,38%, VND tăng 4,42%, SSI tăng 3,66%. SSI tiếp tục lọt vào nhóm 5 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường.
Cơ cấu tăng giá trên sàn HoSE vẫn đang thể hiện diễn biến tích cực, với 10 mã kịch trần, 103 mã tăng trên 2%, 56 mã tăng trên 1%. Khá bất ngờ là các mã nhỏ không quá nóng, chỉ số VNSmallcap chỉ tăng 0,91% đồng thời thanh khoản chỉ hơn 1 ngàn tỷ đồng cho cả rổ.
Thanh khoản không mấy ấn tượng sáng nay dù thị trường đảo chiều khá tốt từ giảm sang tăng. Lúc VN-Index tạo đáy đầu phiên lúc 9h30, sàn HoSE chỉ có 87 mã tăng/266 mã giảm. Khi chỉ số đảo chiều qua tham chiếu lúc 10h5, độ rộng vẫn là 189 mã tăng/214 mã giảm. Độ rộng chuyển sang tăng áp đảo về cuối phiên nghĩa là cổ phiếu đảo chiều thành công nhiều hơn. Tuy vậy tổng thanh khoản sàn HoSE chỉ đạt gần 6.942 tỷ đồng, giảm 8% so với sáng hôm qua. Rổ VN30 thậm chí giảm gần 15%, chỉ đạt 2.576 tỷ đồng.
Giao dịch giảm và cổ phiếu đảo chiều thành công nghĩa là lực bán tiếp tục yếu. Tuy vậy kịch bản này đã từng diễn ra sáng hôm qua, nhưng đến chiều tình thế lại thay đổi xấu đi. Vì vậy nhà đầu tư sáng nay có lý do để ngần ngại giao dịch, khi không thể biết liệu sẽ có “đánh úp” chiều nay hay không.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua ròng khoảng 198 tỷ đồng tại HoSE, với giao dịch bán chỉ tập trung vào SSI (75,6 tỷ) và HPG (70,6 tỷ). Cổ phiếu bị bán ròng nhiều thứ 3 là VRE chỉ có 7,7 tỷ đồng. Phía mua ròng cũng không quá đặc biệt, lớn nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 31,3 tỷ và GMD với 31,2 tỷ, VHC với 27,1 tỷ. Nhóm DGC, DIG, CTG, DGW, DPM, MSN, VNM, HSG, NKG, DCM được mua ròng trên 10 tỷ đồng.