Chuyên gia cho rằng, xu thế thị trường lâu nay là do nhà đầu tư cá nhân trong nước quyết định. Hoạt động giao dịch của khối ngoại hiện chiếm tỷ trọng khá nhỏ và không giữ vai trò ảnh hưởng đáng kể tới xu thế chung. Do vậy, chỉ nên coi đây là 1 yếu tố mang tính tham khảo.
Kết thúc tuần giao dịch 9-13/5/2022, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11%) xuống 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 41,07 điểm (-12%) xuống 302,39 điểm và và UPCoM-Index giảm 3% xuống mức 93,61 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 79,9% so với tuần trước đó với 84.217 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 92,9% lên 3.132 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 70,7% so với tuần trước đó với 8.289 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 93% lên 406 triệu cổ phiếu.
Chưa đủ cơ sở để nói, khối ngoại đang "quay lại và lợi hại hơn xưa". Hình minh họa.
Thanh khoản thị trường trong tuần vẫn ở mức khá thấp bất chấp thị trường chỉnh sâu cho thấy dòng tiền vẫn đang khá hờ hững với việc bắt đáy, giá trị giao dịch trên toàn thị trường bình quân đạt 19.200 tỷ đồng/phiên.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiêu cực, giao dịch của khối ngoại là điểm sáng trong tuần với việc mua ròng 46,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.752 tỷ đồng. Đáng nói, sự đối nghịch này đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ, các năm 2020 và 2021.
Bày tỏ quan điểm về dòng vốn của khối ngoại ở giai đoạn này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho biết, khối ngoại mua ròng tháng 4 khoảng 3.500 tỷ đồng và sau nửa đầu tháng 5 cũng mua ròng khoảng 1.100 tỷ đồng. Các động thái gần đây đang cho thấy tín hiệu tích cực của dòng tiền này song vẫn chưa đủ cơ sở để nói khối ngoại đang "quay lại và lợi hại hơn xưa".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), khối ngoại đã có động thái mua ròng tích cực trong tuần qua nhưng tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 9,45% trong tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Vì vậy, mức độ tác động lên thị trường của nhóm này là không quá lớn. Điểm tích cực là họ đang quay dần trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam với bối cảnh là định giá thị trường đang rẻ như giai đoạn hiện nay.
Theo quan điểm của ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS): "Tôi không thật sự chú trọng vào yếu tố này (khối ngoại), càng không coi đây là yếu tố tích cực để “bấu víu” vào. Nên nhớ, trong gần 2 năm qua, khối ngoại bán ròng liên tục và kỷ lục trong bối cảnh thị trường tăng rất mạnh.
Ngoài ra, xu thế thị trường lâu nay là do nhà đầu tư cá nhân trong nước quyết định. Hoạt động giao dịch của khối ngoại hiện chiếm tỷ trọng khá nhỏ và không giữ vai trò ảnh hưởng đáng kể tới xu thế chung. Do vậy, chỉ nên coi đây là 1 yếu tố mang tính tham khảo.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) đánh giá, đây là đợt mua ròng tốt nhất của khối ngoại trong thời gian này khi đã có chuỗi bán ròng liên tục từ cuối năm 2019 đến hết quý I/2022 với tổng giá trị lên đến hơn 90.000 tỷ đồng.
Dù giao dịch của khối ngoại không còn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch mỗi ngày và nắm vai trò trọng yếu tác động đến chỉ số, nhưng các thống kê mua ròng trở lại thời gian gần đây cho thấy, giá cổ phiếu đã hấp dẫn trở lại. Đây cũng là điều đáng suy nghĩ đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân đang cố gắng bán bằng mọi giá trong vài tuần gần đây, bất chấp nhiều cổ phiếu tăng trưởng và có chất lượng tốt.