Xuất khẩu gặp khó, giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt khiến người chăn nuôi đối mặt với thua lỗ kéo dài, thậm chí nhiều “đại gia” ngành chăn nuôi hàng đầu trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận tình trạng lợi nhuận sụt giảm. Điều này cũng ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu không ngừng đi xuống.
Thống kê cho thấy, sau 11 đợt tăng giá kể từ năm 2021 cho đến tháng 4/2022, giá thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao. Theo đó, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022 của nhiều “ông lớn” ngành chăn nuôi bao phủ bởi màu sắc ảm đạm.
“Đại gia” cũng… lao đao
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút sự chú ý của các đại gia trong nước trong vài năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (
DBC) có quy mô nhà máy chế biến quy mô lớn, chỉ đứng sau tập đoàn Thái Lan CP về thịt lợn tại Việt Nam.
Đầu vào gặp khó, không chỉ người nông dân mà ngay cả những "đại gia" ngành chăn nuôi cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 cho thấy tình hình kinh doanh của Dabaco “đi lùi” và không còn được tốt như năm 2020 và đầu năm 2021.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước, còn 8,6 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong 10 quý gần đây của doanh nghiệp.
Như vậy, so với mục tiêu 918 tỷ đồng đặt ra cho cả năm, lợi nhuận đạt được trong quý I của Dabaco là rất nhỏ, chỉ tương đương khoảng 1% kế hoạch. Ngoài ra, tổng nợ vay tài chính của Dabaco cũng tăng khá mạnh lên 3.752 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 2.844 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp của ông Nguyễn Như So ghi nhận lợi nhuận liên tục giảm nhanh từ quý II/2021, từ khoảng 250-360 tỷ đồng mỗi quý xuống ngưỡng 100-200 tỷ đồng/quý trước khi sụt giảm về dưới 10 tỷ đồng trong quý I/2022.
Dabaco bắt đầu gặp khó từ giữa 2021, khi nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và lan rộng. Chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ bị hạn chế và đình trệ.
Sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận liên tục đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại quãng thời gian bùng nổ lợi nhuận của Dabaco đã đi qua. Điều này cũng phần nào tác động khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp thời gian qua liên tục giảm mạnh.
Chốt phiên ngày 18/5, cổ phiếu tăng lên mức 22.850 đồng/cp (+1,8%). Tuy nhiên, đây vẫn là mức gần như thấp nhất trong vòng gần 1 năm qua.
Được biết, Dabaco đã niêm yết bổ sung 115,2 triệu cổ phiếu từ ngày 13/5, nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết gấp đôi lên gần 230,5 triệu đơn vị. Đây là lượng cổ phiếu thưởng Dabaco phát hành với tỷ lệ 1:1 trong năm nay.
Tương tự, vài năm gần đây, Tập đoàn Masan (
MSN) được đánh giá là rất “chịu chi” cho mảng chế biến và phân phối thịt với thương hiệu thịt mát Meat Deli. Tuy nhiên, gần đây Masan MeatLife (
MML) bắt đầu gặp khó.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu của Masan MeatLife giảm 80,2% so với cùng kỳ, đạt 931 tỷ đồng do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 18.189 tỷ đồng, giảm 8,9% so với mức 19.977 tỷ đồng của quý I/2021.
Mới đây, “ông lớn” Hòa Phát (
HPG) cũng rót tiền đầu tư vào mảng chăn nuôi lợn, bò, gia cầm và thức ăn chăn nuôi. Thị phần chăn nuôi lợn của Hòa Phát cũng tăng mạnh gần đây, song kết quả kinh doanh riêng mảng nông nghiệp cũng không khá khẩm hơn những doanh nghiệp khác là bao khi ghi nhận lỗ sau thuế 55,8 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022.
Cùng chung cảnh ngộ, HAGL Agrico (
HNG) công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu như trong quý I/2021, HAGL Agrico lãi 6,7 tỷ đồng nhưng quý I năm nay ghi nhận khoản lỗ ròng gần 113 tỷ đồng.
Chưa hẳn khó hết
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, thời gian tới, áp lực bão giá vẫn là khó khăn chung cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khi giá đầu vào chưa thể sớm hạ nhiệt, càng làm cho doanh nghiệp thêm âu lo vì những rủi ro có thể tác động đến sản xuất.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, Chứng khoán VCBS nhận định, giá cả hàng hoá nguyên - nhiên - vật liệu trên thế giới tăng và đang có mức phản ánh vào chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Dự báo, tháng 5/2022 sẽ vẫn chịu áp lực tăng nhất định.
“Áp lực chi phí bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi. Theo đó, cổ phiếu ngành chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng kéo dài trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận xét.
Tuy nhiên, nhìn theo góc độ lạc quan, một số chuyên gia khác cho rằng, vẫn còn những yếu tố tích cực cho ngành chăn nuôi.
Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù vẫn neo ở mức cao song giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ ổn định vào năm 2022. Trong đó, giá ngô dự kiến sẽ giảm 10% vào năm 2022, giá gạo dự báo sẽ giảm vào năm 2022.
Ngoài ra, để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng. Thuế suất nhập khẩu lúa mì giảm từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%.
Kỳ vọng mức thuế mới sẽ có tác động tích cực giúp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm áp lực chi phí đầu vào cho các công ty chăn nuôi. Theo đó, các công ty chăn nuôi như Dabaco có thể hưởng lợi từ điều này do 70-80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu từ thị trường nước ngoài.
Theo dự báo của VNDirect, giá lợn hơi sẽ dao động trong khoảng 55-60.000 đồng/kg (giảm 7-10%) do quy mô đàn lợn trong nước phục hồi về mức trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF). Từ đó, sản lượng thịt lợn sẽ tăng 3,6% lên 3,95 triệu tấn vào năm 2022 nhờ dịch ASF được kiểm soát tốt cùng với giá thức ăn chăn nuôi giảm sẽ là động lực để người chăn nuôi tái đàn. Điều này sẽ có lợi cho các công ty như Masan Meatlife vì 40% thịt lợn nguyên liệu được nhập khẩu từ các bên thứ ba.